Tháng 10.1961, Liên Xô đã thả xuống vùng Novaya Zemlya xa xôi phía trên vòng Bắc Cực một quả bom hạt nhân lớn nhất mà nhân loại từng kích nổ. Quả bom có tên Tsar Bomba (mã RDS-220) là một quả bom khinh khí với sức công phá tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT.
Tsar Bomba được thả từ độ cao 10,5 km và nổ ở độ cao 4 km trên mực nước biển bằng các cảm biến khí áp. Quả cầu lửa chạm tới mặt đất, gần tới cao độ của chiếc máy bay ném bom, được nhìn thấy và cảm thấy từ 1.000 km từ ground zero. Sức nóng của vụ nổ có thể gây bỏng độ ba 100 km từ ground zero. Vụ nổ có thể được quan sát và cảm nhận thấy ở Phần Lan, làm vỡ kính cửa sổ tại Phần Lan và Thụy Điển.
Cho đến bây giờ, đó vẫn là vụ nổ nhân tạo mạnh nhất trong lịch sử thế giới. Thử nghiệm Tsar Bomba không chỉ vượt ra khỏi mong đợi của Liên Xô, nó còn khiến các nước phương Tây, bao gồm Mỹ phải dè chừng trong tham vọng tiếp tục chạy đua vũ khí hạt nhân.
Thước phim tài liệu về vụ thử nghiệm Tsar Bomba mới được công bố
Đoạn phim của Rosatom cho thấy một quả cầu lửa khổng lồ và đám mây hình nấm cao khoảng 64 km (gần cao hơn 6 lần núi Everest) bốc lên sau vụ nổ làm bừng sáng bầu trời. Quang cảnh được chụp từ nhiều góc độ bằng các camera lắp đặt trên mặt đất và trên hai máy bay Liên Xô.
Không có ai bị thiệt mạng trong vụ nổ bởi nó xảy ra ở một trong những nơi xa xôi hẻo lánh nhất của Nga. Nếu nó phát nổ trong một thành phố, hàng triệu người có thể thiệt mạng và mức độ phóng xạ nguy hiểm có thể lan xa tới 350km.
Tsar Bomba hay còn gọi là "bom Sa hoàng" được phát triển từ năm 1956 đến năm 1961 khi Liên Xô tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân với Mỹ. Đây là quả bom khinh khí lớn nhất từ trước đến nay được cho là có sức công phá gấp 3.300 lần so với quả bom đã san bằng thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.
Cả Mỹ và Liên Xô sau đó cũng đã nhìn thấy được những hậu quả của cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân. Không đầy 2 năm sau vụ thử nghiệm Tsar Bomba, ngày 5.8.1963, Washington và Moscow đã đạt tới một thỏa thuận để ký kết Hiệp ước ngăn cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong khí quyển, dưới nước và bên ngoài không gian.
Kể từ đó, các vụ thử nghiệm hạt nhân cỡ megaton đã trở thành dĩ vãng. Năm 1996, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện với một hệ thống giám sát hạt nhân trên toàn thế giới để ngăn chặn, lên án và trừng phạt bất kể quốc gia nào vi phạm.
Trang Nhung (theo Live Science)