Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng, sau khi hợp nhất TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM (mới) có khoảng 11 triệu phương tiện, trong đó khoảng 1,5 triệu xe ô tô. Đây là một trong những nguồn phát thải lớn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trên cơ sở chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon, khí metan của Chính phủ, Sở Xây dựng TP.HCM đã xây dựng đề án kiểm soát khí thải xe theo hai giai đoạn. Trong đó ở giai đoạn 1: Xây dựng lộ trình chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Áp dụng từ năm 2025, mục tiêu đến năm 2030 100% xe buýt của TP.HCM sử dụng điện, năng lượng xanh.
Giai đoạn 2: Xây dựng đề án và tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND TP ban hành chính sách giảm khí thải các xe còn lại. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi và lộ trình đối với các cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi...Hiện Sở Xây dựng đang triển khai giai đoạn 2, với trọng tâm là xây dựng đề án và tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành chính sách giảm khí thải từ các phương tiện giao thông đường bộ còn lại trên địa bàn thành phố.
Trong giai đoạn 2, TPHCM sẽ tập trung thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ chính. Trước hết, TP sẽ xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi và lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng xanh. Đối tượng áp dụng bao gồm xe taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách, xe tải, phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy), cũng như phương tiện thuộc các cơ quan hành chính công, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ nghiên cứu chính sách thu mua, hỗ trợ đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện mới sử dụng điện hoặc năng lượng xanh nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
TP.HCM nghiên cứu phương án hạn chế phương tiện giao thông phát thải cao tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm (Ảnh minh họa).
Ngoài ra, TP.HCM cũng sẽ đề xuất các giải pháp kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có các biện pháp như nghiên cứu phân vùng, ưu tiên hoạt động cho phương tiện sử dụng năng lượng xanh, đồng thời hạn chế phương tiện giao thông dùng nhiên liệu hóa thạch tại một số khu vực như trung tâm TP.HCM, Cần Giờ và đặc khu Côn Đảo. TP.HCM sẽ xây dựng bộ tiêu chí, trình tự và thủ tục thực hiện các chính sách nêu trên nhằm đảm bảo tính đồng bộ và khả thi trong quá trình triển khai thực tế.
TP.HCM đang đạt được một số kết quả trong kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn. Hiện hệ thống xe buýt thành phố đã có khoảng 31,1% xe sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch thân thiện với môi trường (xe điện, xe CNG). Nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục đề xuất tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, xe buýt điện. Ngày 1/8 tới đây, TP.HCM dự kiến đưa 37 tuyến buýt vừa đấu thầu vào hoạt động với hàng trăm xe buýt điện.
Bên cạnh Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông do Sở Xây dựng thực hiện, dự kiến trong tháng 7 này, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM sẽ trình UBND TP đề án chuyển đổi xe hai bánh từ xe xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, TP có khoảng 400.000 shipper, tài xế công nghệ hoạt động và mỗi ngày một tài xế di chuyển trung bình 80 - 120km, gấp 3 - 4 lần người dân thường (số liệu khảo sát), nên nhóm này cần được triển khai chuyển đổi trước tiên.
Đề án được đưa ra gồm 4 giai đoạn: Từ tháng 1/2026: Bắt đầu áp dụng các chính sách ưu đãi và ngừng cấp phù hiệu mới (tức dừng ký hợp đồng mới) cho xe máy xăng. Các tài xế đang sử dụng xe xăng đã đăng ký và được chấp thuận trước ngày 1/1/2026 vẫn được tiếp tục hoạt động, nhưng cần lập kế hoạch chuyển đổi sang xe điện.
Từ tháng 1/2027: Hạn chế xe xăng hoạt động trong giờ cao điểm tại các vùng phát thải thấp được thành phố quy định. Từ tháng 1/2028: Siết chặt chính sách kiểm soát khí thải theo quy định. Từ tháng 12/2029: Cấm hoàn toàn xe xăng tham gia cung cấp dịch vụ trên các nền tảng gọi xe công nghệ.
Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, để hỗ trợ tài xế công nghệ chuyển đổi phương tiện, Viện đang phối hợp với Tổ chức Tài chính vi mô CEP và một số ngân hàng để thiết kế các sản phẩm tín dụng phù hợp. Các gói vay dự kiến có thời hạn 24–30 tháng, với mức trả góp tương đương phần tiền tiết kiệm từ việc không phải đổ xăng.
Đồng thời, TP.HCM sẽ vận dụng Nghị quyết 198 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để hỗ trợ tối thiểu 2% lãi suất cho các khoản vay mua xe điện. Nếu lãi suất thương mại là 8%, tài xế chỉ cần trả 6%, phần còn lại sẽ do ngân sách chi trả. Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM sẽ kiến nghị UBND TP.HCM đề xuất Trung ương ban hành thêm các chính sách hỗ trợ như: miễn lệ phí trước bạ cho xe điện đăng ký mới trong 2 năm đầu, miễn thuế VAT cho tài xế công nghệ sử dụng xe điện, cũng như miễn thuế VAT trên từng đơn hàng thực hiện...
TP.HCM đang đối mặt với thách thức ô nhiễm môi trường gia tăng nghiêm trọng, đòi hỏi nhanh chóng hoàn thiện chính sách để tăng tốc chuyển đổi xanh.../.
Anh Thư
Nguồn thiennhienmoitruong.vn
Link bài gốchttps://thiennhienmoitruong.vn/tp-hcm-nghien-cuu-phuong-an-han-che-phuong-tien-giao-thong-phat-thai-cao-theo-khu-vuc.html