Đây là cảnh báo từ nhóm nghiên cứu do giáo sư vi sinh vật học Juergen Richt thuộc Đại học bang Kansas dẫn đầu. Họ xác định nhiệt độ cùng độ ẩm ở mức thấp tạo điều kiện cho vi rút sống sót trên áo khoác của một người đi bộ (nếu ở ngoài trời) suốt một tuần, trong khi vào mùa hè chúng chỉ đạt tuổi thọ khoảng 1-3 ngày. Sự tồn tại kéo dài đem lại nguy cơ gây ra đợt bùng phát mới, theo nhóm nghiên cứu.
Ở môi trường trong nhà lạnh và ít ẩm hơn, vi rút SARS-CoV-2 cũng sống sót lâu hơn: chu kỳ bán rã trung bình (khoảng thời gian để một nửa phân tử vi rút mất khả năng hoạt động) của vi rút trên tay nắm cửa bằng thép không gỉ là khoảng 8 tiếng đồng hồ, trên cửa sổ gần 10 tiếng đồng hồ - đều gấp đôi tuổi thọ vào mùa hè.
Để tìm hiểu xem khả năng tồn tại của vi rút có thay đổi theo mùa hay không, nhóm nghiên cứu tạo nên điều kiện thời tiết vùng miền trung và miền tây nước Mỹ trong phòng sinh học. Nhiệt độ mùa xuân, mùa thu ở mức 13 độ C với độ ẩm tương đối 66%; mùa hè nhiệt độ 25 độ C cùng độ ẩm 70%.
Sau đó, vi rút SARS-CoV-2 được bôi lên 12 vật liệu mà con người tiếp xúc hằng ngày như giấy bìa cứng, bê tông, cao su, găng tay, khẩu trang N95… Với tất cả vật liệu, vi rút trong môi trường mùa xuân, mùa thu đều tồn tại lâu hơn trong môi trường mùa hè.
Dựa trên kết quả trên, nhóm nghiên cứu kêu gọi mọi người tiếp tục giữ gìn vệ sinh cá nhân và thường xuyên khử trùng các bề mặt có nguy cơ cao. Theo nhiều nghiên cứu trước đó, mùa thu thường chứng kiến sự gia tăng số ca mắc những bệnh truyền nhiễm khác (như cúm) cũng như khiến bệnh tình dễ trở nặng.
Vi rút SARS-CoV-2 được cho “sống tốt” ở điều kiện nhiệt độ cùng độ ẩm thấp. Giới khoa học từng hy vọng mùa hè sẽ làm giảm đà lây lan vi rút, nhưng tình hình tái bùng phát dịch bệnh tại nhiều nơi trên thế giới làm dấy lên nghi vấn về tác động mà thời tiết mang lại.
Cẩm Bình (theo SCMP)