Chiều ngày 29/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu rõ: Theo quy định hiện hành thì đang có khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng nên không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự đối với các hành vi trên từ ngày 1.7.2018.
Do đó, cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc do khoảng trống pháp luật gây ra, bảo đảm phù hợp với Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Các đại biểu phát biểu tại phiên họp tổ ngày 29/10. Ảnh: Quang Khánh.
Đồng quan điểm, ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho hay, hiện nay nổi lên một số hiện tượng xã hội rất đáng lo ngại như các vụ gây rối trật tự xã hội, hành hung, án mạng do các băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen, hoặc người sử dụng ma túy đá sử dụng các loại vũ khí gây sát thương tương tự vũ khí quân dụng gây ra. Trên thực tế, việc chế tạo hay mua bán các loại vũ khí này tương đối dễ dàng, nhưng lại gây sát thương cao.
Trong khi đó, chúng ta lại không thể khởi tố các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép và chiếm đoạt liên quan đến loại vũ khí này. Vì vậy, đại biểu đề nghị, cần bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ càng sớm càng tốt, nhằm kịp thời xử lý hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) chỉ ra, trong thực tiễn tội phạm hoạt động rất tinh vi, luôn nghiên cứu những kẽ hở của luật. Nếu chúng ta quy định đặt tên cho các loại vũ khí có tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng thì cũng giống như các loại ma tuý sẽ phát sinh tên gọi. Trên cơ sở đó, kiến nghị phải sửa đổi luật này để điều tiết được những khoảng trống, xử lý phù hợp với quy định của pháp luật hình sự, từ đó phòng ngừa được tội phạm mua bán, tàng trữ, sử dụng các loại vũ khí tương tự vũ khí quân dụng.
Dẫn chứng thực tế đấu tranh với tội phạm cho thấy, phần nhiều đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đều sử dụng loại vũ khí với khái niệm “tương tự” chứ rất ít phát hiện tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng”, đại biểu Sùng A Hồng (Điện Biên), Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho rằng, sau khi ban hành luật, vẫn cần có các văn bản dưới luật hướng dẫn triển khai thực hiện để giúp hiểu rõ thế nào là vũ khí quân dụng và vũ khí tương tự. Đồng thời, đề nghị cần xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự để bảo đảm có tác dụng răn đe, phòng ngừa những đối tượng sử dụng các loại vũ khí này./.