(HNMO) - Rạng sáng 31-1 (theo giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (PHEIC) dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (2019-nCoV) gây ra.
Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng. PHEIC lần đầu tiên được ban bố tháng 4-2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1), lần thứ hai được ban bố tháng 5-2014 do bệnh bại liệt, lần thứ ba trong dịch vi rút Ebola ở Tây Phi và lần thứ tư là khi bùng phát dịch vi rút Zika ở châu Mỹ.
Ủy ban khẩn cấp WHO tin rằng vẫn có thể ngăn chặn sự lây lan vi rút với điều kiện các nước áp dụng các biện pháp mạnh để phát hiện sớm bệnh, cách ly và điều trị các trường hợp, theo dõi liên lạc và thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn xã hội tương xứng với rủi ro. Điều quan trọng cần lưu ý là khi tình hình tiếp tục diễn biến xấu thì sẽ phải đề ra các mục tiêu và biện pháp chiến lược để ngăn ngừa và giảm lây nhiễm. Ủy ban nhất trí rằng cần có sự phối hợp quốc tế trong việc khắc phục căn bệnh để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Việc tuyên bố PHEIC cần được nhìn nhận trên tinh thần ủng hộ người dân Trung Quốc và các hành động mà Trung Quốc đã thực hiện trên tuyến đầu trước sự bùng phát dịch bệnh. WHO nhận thấy cần thể hiện nỗ lực phối hợp toàn cầu để tăng cường sự chuẩn bị ở các khu vực khác trên thế giới.
Ủy ban khẩn cấp WHO hoan nghênh một phái bộ các chuyên gia đa ngành của WHO sắp đến Trung Quốc để xem xét và hỗ trợ các nỗ lực điều tra nguồn động vật của ổ dịch, mức độ nghiêm trọng và lây truyền từ người sang người trong cộng đồng, trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe và nỗ lực kiểm soát ổ dịch. Phái bộ này sẽ cung cấp thông tin cho cộng đồng quốc tế để hỗ trợ tìm hiểu tình hình và cho phép chia sẻ kinh nghiệm và các biện pháp thành công.
Cùng với đó, WHO cũng sẽ tiếp tục sử dụng mạng lưới các chuyên gia kỹ thuật của mình để đánh giá mức độ bùng phát trên toàn cầu, hỗ trợ tăng cường cho việc chuẩn bị và ứng phó, đặc biệt là ở các quốc gia và khu vực dễ bị tổn thương. Các biện pháp để đảm bảo sự phát triển nhanh chóng và tiếp cận với các loại vắc xin tiềm năng, các loại thuốc kháng vi rút và các phương pháp trị liệu khác cho các nước thu nhập thấp và trung bình nên được phát triển.
Tới sáng 31-1, đã có ít nhất 212 người tử vong vì vi rút corona, trong khi số ca lây nhiễm đã vượt mốc 7.800 người trên toàn cầu. Italia cũng đã xác nhận 2 trường hợp lây nhiễm đầu tiên, trong khi Đức chính thức xác nhận ca lây nhiễm thứ 5 tại khu vực phía nam Bavaria. Trong diễn biến liên quan, Nga đã tuyên bố đóng cửa biên giới với Trung Quốc cho tới hết tháng 2 để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.