(HNM) - Sau gần một năm bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo, nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chuyển đổi thành công xe thu gom rác đẩy tay, sang xe điện sử dụng công nghệ hỗ trợ lái định vị bằng la bàn. Sản phẩm này đã đoạt giải Nhì cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường năm học 2019-2020. Có thể nói, đây là một sáng tạo cho cuộc sống thêm xanh, giúp giải phóng sức lao động cho công nhân vệ sinh môi trường.
Niềm vui của công nhân thu gom rác
Hiện nay, những xe gom rác công nhân vệ sinh môi trường đang sử dụng phải dùng hoàn toàn sức người để di chuyển. Đáng nói, do nhu cầu của cuộc sống, nên lượng rác thải hằng ngày tăng cao, khiến cho công việc của những công nhân vệ sinh môi trường càng thêm vất vả.
Với mục tiêu nâng cao năng suất lao động trong vận chuyển rác, nhóm 4 sinh viên của Viện Cơ khí động lực (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), gồm: Nguyễn Tiên Tiến (K60), Dương Anh Minh (K60), Lê Chí Tuyền (K64) và Trịnh Cao Dũng (K58) - dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Nguyễn Thế Lương - đã tìm tòi, nghiên cứu để thực hiện đề tài “Chuyển đổi xe thu gom rác đẩy tay, sang xe điện sử dụng công nghệ hỗ trợ lái định vị bằng la bàn”.
Theo sinh viên Nguyễn Tiên Tiến, so với những chiếc xe thu gom, vận chuyển rác thông thường, xe này chỉ cần bật công tắc, vặn tay ga là xe có thể đi, không phải đẩy. Xe có thể vào được các ngõ, ngách nhỏ. Trên xe có hệ thống còi, đèn để cảnh báo nguy hiểm, có hệ thống phanh để giảm tốc độ khi xuống dốc. Xe được lập trình hỗ trợ lái tự động bằng định vị la bàn, có thể tự động lái trên cung đường rộng và ít phương tiện tham gia giao thông. Đặc biệt, tốc độ của xe có thể điều chỉnh theo nhịp đi lại của công nhân.
Chia sẻ niềm vui khi sử dụng sản phẩm này, chị Nguyễn Thị Hoa, nhân viên vệ sinh môi trường tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phấn khởi nói: “Tôi đã dùng thử và thấy đỡ mất sức rất nhiều. Bình thường, tôi phải vừa đi vừa đẩy xe và nhặt rác nhưng nếu có xe này nó tự chạy và tôi chỉ cần nhặt rác bỏ vào thùng. Có xe này hỗ trợ, các công nhân vệ sinh môi trường đỡ vất vả hơn nhiều, nhất là khi trời nắng nóng”.
Góp phần giúp Thủ đô thêm sạch, đẹp
Theo sinh viên Dương Anh Minh, nhóm sinh viên này bắt đầu thực hiện ý tưởng từ tháng 11-2019 và đến lúc hoàn thành sản phẩm, mất khoảng 9 tháng. Trong quá trình bắt tay vào thực hiện, nhóm đã giải quyết nhiều bài toán khó, như: Làm sao để cải tiến xe, nhưng không ảnh hưởng đến kích thước ban đầu; dùng động cơ thế nào để vừa an toàn, vừa thân thiện với môi trường; lập trình cho xe đi theo đúng hướng định vị của la bàn; điều chỉnh tốc độ của xe hợp lý với tốc độ đi bộ của người sử dụng...
Nhóm nghiên cứu đã tính toán, lựa chọn phương án sử dụng hai động cơ xe điện cùng công suất, hai bộ điều tốc, hệ thống đèn, còi, phanh, hệ thống hỗ trợ lái điều khiển tự động và bố trí, lắp đặt cơ khí mà không thay đổi nhiều kết cấu của xe. Sau đó tiến hành chế tạo, cải tiến xe gom rác công suất 400kg hiện có sang sử dụng động cơ điện, tiến hành thu thập dữ liệu, lập trình định vị, thiết lập tự động qua cảm biến và bộ điều khiển.
Để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường, nhóm sinh viên đã lựa chọn tái sử dụng các thiết bị cũ. PGS.TS Nguyễn Thế Lương cho biết: “Các em đã tìm đến các cửa hàng xe đạp điện cũ để tìm các linh kiện phù hợp. Viện Cơ khí động lực cũng hỗ trợ các em có thể tái sử dụng một số đồ cũ của Viện để hoàn thành sản phẩm. Chúng tôi tính toán sơ bộ giá thành mỗi xe là 10 triệu đồng”.
Đề cập đến tính ưu việt của xe, sinh viên Nguyễn Tiên Tiến chia sẻ: “Nhóm đã thử nghiệm hiệu suất, thời gian làm việc và độ bền của xe. Kết quả ban đầu cho thấy, xe làm việc ổn định và an toàn. Đặc biệt, xe sử dụng một tay phanh, nhưng khi phanh sẽ ngừng được cả hai động cơ, có thể tải được 400kg rác và sử dụng được từ 6 đến 8 tiếng liên tục”.
Tiến sĩ Phạm Văn Sáng, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí động lực đánh giá: “Đề tài xe đẩy rác tự động là một đề tài rất thú vị, bên cạnh các tính năng công nghệ được nghiên cứu, áp dụng (hệ thống trợ lực lái, tự động di chuyển theo quỹ đạo, tránh vật cản), đề tài còn thể hiện khả năng nhạy bén trong phát hiện vấn đề khoa học của sinh viên”.
Hiện tại, nhóm sinh viên vẫn tiếp tục hoàn thiện các tính năng của sản phẩm và mong muốn nhận được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, doanh nghiệp để có thể thương mại hóa. Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thế Lương thông tin: “Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cam kết sẽ hỗ trợ một phần kinh phí. Ngoài ra, Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) tuần tới sẽ làm việc với Viện Cơ khí động lực để hợp tác sản xuất xe chở rác thông minh này”.
Có thể thấy, khoa học không chỉ áp dụng vào những vấn đề phức tạp, mà còn hiện hữu ngay trong cuộc sống quen thuộc hằng ngày, giúp Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp.