(HNM) - Theo ý kiến của các nhà chuyên môn, một trong những nguyên nhân hàng đầu góp phần gây ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề hơn ở các đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh là sự gia tăng nhanh chóng xe cơ giới cá nhân. Để chủ động, chính quyền thành phố đã có nhiều giải pháp kiểm soát khí thải đối với các phương tiện.
Theo thống kê của Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh (GT-VT), thành phố đang quản lý hơn 8,6 triệu phương tiện, gồm hơn 760 nghìn xe ô tô và gần 8 triệu xe mô tô. Chưa kể hơn 1 triệu phương tiện vãng lai và có biển số ngoại tỉnh. Tốc độ tăng trưởng xe ô tô con và mô tô lần lượt khoảng 12%/năm và 6,5%/năm.
Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, thành phố đang có gần 40 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, khiến ô nhiễm môi trường không khí nặng nề hơn.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, xe gắn máy tiêu thụ 50% lượng xăng nhưng thải ra đến 94% khí HC (hydrocacbon), 87% khí CO (cacbon monoxit), 57% khí NOx (oxit nitơ) và 33% bụi mịn PM1O trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Đây là các loại khí thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Bàn về giải pháp, PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông (Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Xe gắn máy chiếm tới 80-90% tổng lượng khí thải, còn xe ô tô thải ra 10-20%. Do đó, giải pháp căn cơ là hạn chế xe cá nhân, tăng cường phát triển vận tải hành khách công cộng”.
Trong kế hoạch giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn năm 2016 đến 2020, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giảm 70% ô nhiễm không khí từ giao thông - vận tải. Để thực hiện được chỉ tiêu này, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GT-VT thành phố cho biết, Bộ GT-VT mới chỉ quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với xe ô tô đang lưu hành, còn tiêu chuẩn đối với xe gắn máy chưa có. Để chủ động, Sở GT-VT đã đề xuất các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy, trình UBND thành phố kiến nghị Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.
Theo ông Trần Quang Lâm, Sở cũng đề nghị Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam phối hợp xây dựng kế hoạch thí điểm kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Đồng thời hỗ trợ xây dựng kế hoạch khảo sát, kiểm tra khí thải xe gắn máy tại các đại lý bảo dưỡng trong nội thành và ngoại thành, nhằm từng bước tiến tới quản lý, giảm ô nhiễm khí thải do phương tiện cơ giới gây ra.
Thời gian tới, thành phố Hồ Chí Minh sẽ lập đề án thu phí ô nhiễm môi trường các loại phương tiện giao thông đường bộ theo mức khí thải khi lưu hành; kiên quyết xử lý, thu hồi xe sử dụng không đúng quy định. Sở GT-VT thành phố tiếp tục điều tra, thống kê số lượng xe gắn máy đã qua sử dụng, tiến tới xác định số lượng xe không bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để đề xuất các biện pháp xử lý.
Ngoài ra, Sở tiếp tục rà soát, thống kê số lượng xe mô tô, xe gắn máy 3-4 bánh vận tải hàng hóa trên địa bàn, tiến tới ngưng hoạt động các loại phương tiện này; triển khai thí điểm đường dành riêng cho xe đạp trong một số khu đô thị...