Sau nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học vẫn không thể kết luận “Quái vật Tully” là động vật có xương sống hay không.
Theo Live Science, thỉnh thoảng giới khoa học phát hiện ra những hóa thạch kỳ lạ đến mức không thể phân loại được. Cấu trúc cơ thể của những loài “sinh vật” này không giống bất kỳ loại động thực vật sống nào nằm trong sự hiểu biết con người.
Tullimonstrum - hay còn được gọi là "Quái vật Tully" - là hóa thạch 300 triệu năm tuổi được phát hiện ở tầng hóa thạch Mazon Creek, Illinois, Mỹ. Đến nay, "Quái vật Tully" vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp với giới khoa học thế giới.
Thoạt nhìn, Tully trông rất giống con sên. Nhưng ở miệng sinh vật này lại có một cái càng (có ở các loài chân khớp như tôm hay cua), trong khi cặp mắt như khúc cây nhô ra khỏi cơ thể.
Bí ẩn bậc nhất giới sinh học
Tully kỳ lạ đến nỗi giới khoa học thậm chí không thể xác định nó là động vật xương sống (như động vật có vú, chim, bò sát...) hay không xương sống (như côn trùng, động vật giáp xác, bạch tuộc...).
Năm 2016, một nhóm các nhà khoa học tuyên bố đã giải quyết được bí ẩn của Tully, cung cấp bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy đó là loài động vật có xương sống. Song nghiên cứu không được chấp thuận rộng rãi.
"Quái vật Tully" lần đầu tiên được nhà sưu tầm nghiệp dư Francis Tully tìm ra vào năm 1955, trong một tầng hóa thạch tên gọi Mazon Creek. Ông đưa nó đến Bảo tàng Khoa học Tự nhiên Field, song các nhà cổ sinh học cũng chẳng rõ Tullimonstrum thuộc ngành động vật nào.
Sinh vật trong mẫu hóa thạch này sau đó được đặt tên "Tullimonstrum gregarium". Trong đó, "Tulli" nhằm vinh danh nhà sưu tầm Tully, còn "monstrum" (quái vật) để mô tả bề ngoài và cơ thể dị thường của nó.
Đã có nhiều nỗ lực nhằm phân loại “Quái vật Tully”. Phần lớn các nghiên cứu tập trung vào sự xuất hiện một số đặc điểm nổi bật. Ví dụ, một chi tiết thuôn dài trong hóa thạch được hiểu là ruột, bên cạnh dải sáng và tối của hóa thạch cùng móng vuốt kỳ dị nằm ở miệng.
Cấu trúc cơ thể của “Quái vật Tully” khác thường đến nỗi nó sẽ mở rộng sự đa dạng cho bất kỳ chủng loài nào mà nó được xếp vào, thay đổi cách chúng ta từng nghĩ về giống loài đó lẫn những sinh vật đã và đang tồn tại trên Trái đất.
Nghiên cứu năm 2016 cho rằng “Quái vật Tully” nên được xếp vào nhóm động vật có xương sống, vì mắt của nó chứa các hạt sắc tố melanosome sắp xếp theo hình dạng và kích thước như mắt động vật loại này.
Song nghiên cứu của chuyên gia Chris Rogers và các cộng sự cho thấy mắt một số động vật không xương sống như bạch tuộc và mực cũng chứa melanosome được phân chia theo hình dạng, kích thước tương tự mắt của Tully và chúng cũng được bảo tồn trong hóa thạch.
Nghiên cứu bằng máy gia tốc hạt
Trong nghiên cứu của Chris Rogers và cộng sự, họ sử dụng loại máy gia tốc hạt bức xạ ánh sáng synchrotron đặt tại Đại học Stanford, California. Thiết bị này giúp họ khám phá cấu tạo hóa học các mẫu hóa thạch và động vật đang tồn tại ngày nay.
Synchrotron sẽ "kích thích" các nguyên tố hóa học bên trong hóa thạch, mỗi nguyên tố phát ra tia X với đặc điểm cụ thể. Bằng cách phát hiện các đặc điểm do tia X phát ra, chúng ta có thể biết được nguyên tố nào được kích thích và cuối cùng mẫu vật được tạo ra là gì.
Đầu tiên, nhóm nghiên cứu thấy melanosome từ mắt động vật xương sống hiện đại có tỷ lệ kẽm so với đồng cao hơn so với động vật không xương sống hiện đại. Đáng ngạc nhiên, sau đó nhóm nghiên cứu tìm ra điều tương tự có thể thấy ở động vật xương sống và động vật không xương sống được tìm thấy tại Mazon Creek.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra mắt của Tully chứa tỉ lệ kẽm và đồng tương tự ở động vật không xương sống. Đồng tồn tại dạng đồng vị khác so với cả động vật có xương sống lẫn động vật không xương sống.
Điều này bác bỏ kết luận của nghiên cứu 2016 nhưng Tully thuộc nhóm động vật nào vẫn là bí ẩn.
Tuy nhiên, nghiên cứu của Chris Rogers và cộng sự mặt khác đã chứng minh nghiên cứu hóa thạch bằng “hóa học và phân tử” có thể đóng phần quan trọng trong việc tìm ra danh tính sinh vật bí ẩn này, cũng như nhiều loài sinh vật đã, đang và sẽ được tìm thấy.