(HNM) - Thực hiện chương trình phối hợp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên - Môi trường phát động, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn cả nước đã vào cuộc với nhiều mô hình mới, cách làm hay.
Từ năm 2015, chùa Pháp Vân (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã xây dựng Câu lạc bộ Xanh và đây là một trong những cơ sở tôn giáo có cách làm hay trong hưởng ứng bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu.
Thượng tọa Thích Thanh Huân, Trụ trì chùa Pháp Vân cho biết: “Chùa đã thành lập Ban điều hành Pháp Vân Xanh với 30 thành viên để xây dựng các mô hình điểm về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; lồng ghép các buổi thuyết giảng giáo lý, các khóa tu với tuyên truyền về môi trường. Nhà chùa và phật tử còn tham gia các chiến dịch làm sạch nước hồ Linh Đàm và các khu vực quanh quận Hoàng Mai”.
Chị Nguyễn Thị Lan, phường Cửa Đông (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Từ khi dự khóa tu tại chùa Pháp Vân và tham gia Câu lạc bộ Xanh, tôi đã ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, nhất là sử dụng hợp lý nguồn nước sạch”.
Trong khi đó, Giáo xứ Phú Sơn là điển hình thực hiện chương trình tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường của huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Nhờ đó, xã Phú Sơn nay không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, giáo dân đã trồng nhiều hoa và cây xanh để làm đẹp cảnh quan. Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Ngọc Sơn 1, xã Phú Sơn Lê Văn Hùng chia sẻ, bà con giáo dân trong thôn còn tự nguyện đóng góp 100% kinh phí đầu tư đường dây để thắp sáng các ngõ hẻm, bảo đảm an ninh trật tự và mỗi gia đình tự xử lý rác thải hữu cơ.
Đại diện Hội đồng Chức sắc Chăm Bà la môn tỉnh Ninh Thuận Lưu Sanh Thanh chia sẻ, Hội đồng Trị sự đã chủ động phối hợp với Ban Công tác Mặt trận, các thôn, tổ dân phố tuyên truyền, vận động bà con đồng bào Chăm hướng đến cuộc sống thân thiện với môi trường như: Xây nhà vệ sinh, nhà tắm đúng quy chuẩn; sử dụng nước sạch; trồng cây xanh nơi công cộng và các cơ sở tôn giáo, không sử dụng phương tiện, vật tư tạo ra sản phẩm độc hại. Kết quả, có 93,8% hộ gia đình đồng bào Chăm ký cam kết thực hiện.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, từ năm 2014 đến nay, với sự tham gia tích cực, hiệu quả của các tôn giáo, sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời và thiết thực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành Tài nguyên - Môi trường trong cả nước, các tôn giáo đã xây dựng được 1.014 mô hình về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai…
Các mô hình này đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và làm thay đổi thói quen của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân ở cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường.
Nhiều nơi đã lồng ghép hoạt động tôn giáo với việc triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nên đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền và các tầng lớp nhân dân.
Điển hình như mô hình: “Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” vùng đồng bào theo đạo Bà la môn (tỉnh Bình Thuận); “Tuyến đường tự quản về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” của các cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; “Xử lý rác thải, xây dựng lò đốt rác, trồng cây xanh, bình chữa cháy” của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt (thành phố Cần Thơ)...
Theo ông Ngô Sách Thực, từ những hiệu ứng tích cực đó, thời gian tới, các tôn giáo sẽ tiếp tục đồng hành với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền các cấp để xây dựng thêm nhiều mô hình, câu lạc bộ tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và khắc phục ô nhiễm môi trường trong khu dân cư có đông đồng bào theo đạo sinh sống.