(HNMO) - Ngày 16-12, Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) họp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện Quy hoạch thủy lợi Việt Nam, Trường Đại học Thủy lợi… bàn về việc xây dựng nhà ở an toàn cho người dân khu vực miền Trung để phòng, tránh thiên tai...
Trao đổi tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Thúc Hào cho rằng, để xây dựng những ngôi nhà an toàn cho khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, cần nghiên cứu thiết kế các mẫu nhà điển hình cho từng khu vực, gắn với yếu tố văn hóa (hình thái kiến trúc, công năng sử dụng, kết cấu an toàn trước các nguy cơ sụt lún, sạt lở…).
Đồng quan điểm trên, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) Lã Thị Kim Ngân đề xuất Tổng cục Phòng, chống thiên tai giao thực hiện thí điểm thiết kế nhà ở cho các khu vực: Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và Quảng Nam. Đây là 3 khu vực xảy ra các loại thiên tai có tính chất điển hình của khu vực miền Trung.
Đại diện Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, để thiết kế, xây dựng nhà ở an toàn, phải xây dựng cơ sở dữ liệu về địa chất, bản đồ ngập lụt… Trường sẽ cung cấp những thông tin này để Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thiết kế các công trình mẫu.
Đánh giá cao những đề xuất, đóng góp của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các đơn vị liên quan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, những trận thiên tai vừa qua đã làm hơn 1.560 ngôi nhà tại các tỉnh, thành phố miền Trung bị sập đổ hoàn toàn. Bộ NN&PTNT rất cần các thiết kế mẫu để cung cấp cho người dân và các cơ quan xây dựng nhà ở, tái thiết khu dân cư bảo đảm an toàn hơn…
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thiết kế một số mẫu về nhà ở riêng lẻ của người dân, nhà cộng đồng và các nhà chỉ huy phòng, chống thiên tai với vật liệu mới, bảo đảm an toàn và chi phí xây dựng hợp lý. Cùng với đó, Hội nghiên cứu thiết kế xây dựng mẫu các khu dân cư an toàn. Trên cơ sở thiết kế mẫu kết hợp với nguồn vốn xã hội hóa, Tổng cục Phòng, chống thiên tai sẽ phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi công, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các thiết kế được lựa chọn.