(HNM) - Dự án “Nước tưới Humic cho nông nghiệp đô thị” giúp giảm thời gian chăm sóc, nhưng cây trồng đô thị vẫn khỏe hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn, mở ra hướng phát triển xanh cho ngành Nông nghiệp. Đã đoạt giải Nhì cuộc thi Demo Day Bách khoa 2020, sáng chế hữu ích này mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và là một trong những điểm sáng của phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tuổi trẻ Thủ đô.
Giải quyết vấn đề nan giải của cây trồng trong đô thị
“Mọi người có muốn xây dựng một khu vườn trên sân thượng để cung cấp rau sạch cho cả gia đình?”, sinh viên Lương Xuân Đức, Viện Kỹ thuật hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trưởng Dự án “Nước tưới Humic cho nông nghiệp đô thị” đã thu hút sự chú ý với câu hỏi đánh trúng nhu cầu của nhiều người tham dự cuộc thi Demo Day Bách khoa 2020.
Là một hợp chất hữu cơ được hình thành bởi sự phân hủy sinh học các chất thực vật chết, Humic được mệnh danh là "vàng đen trong nông nghiệp" đóng vai trò quan trọng quyết định độ màu mỡ của đất và dinh dưỡng cây trồng. Các nhà khoa học đã tìm ra hàng loạt phẩm chất quý báu của Humic với đất và cây, như: Khả năng tích trữ dinh dưỡng, kích thích mọc rễ, chồi, tăng quang hợp... Chất Humic có thể hình thành tự nhiên trong đất được canh tác hợp lý. Tuy nhiên, các biện pháp tạo ra Humic thông thường rất chậm và tốn nhiều chi phí. Giải pháp nhanh và thực tế nhất để cải thiện độ màu mỡ của đất là bổ sung Humic trực tiếp vào đất hoặc bón lá.
Theo anh Lương Xuân Đức, sản phẩm nước tưới Humic phù hợp cho cây trồng trong nhà và với các gia đình có nhu cầu trồng cây, rau xanh trên ban công, sân thượng. Năm 2017, gia đình anh cũng khởi nghiệp một dự án cây cảnh, nhưng hầu hết số cây đều chết do thiếu dinh dưỡng. Thất bại này đã thôi thúc anh cùng sinh viên Nguyễn Thành Đạt (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) lên ý tưởng cho một sản phẩm có thể giải quyết những vấn đề nan giải của cây trồng trong đô thị.
“Humic Lười là sản phẩm thú vị nhất của chúng tôi. Người dùng chỉ việc pha loãng sản phẩm với nước theo tỷ lệ 1:20 rồi tưới trực tiếp lên cây trồng là gần như đủ dinh dưỡng cho mọi loại cây. Đối với nhóm cây đang chịu tổn thương như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, tổn thương khi di dời, ngộ độc…, thì dùng Fresh Humic. Nó bao hàm toàn bộ những tính chất quý báu và hơn 70 khoáng chất để kích thích sự tự phục hồi của cây trồng. Ngoài ra còn có sản phẩm mùn bã cải tạo đất trồng có thể thay thế phân bón lót, hoặc bổ sung trực tiếp cho vùng đất bị chai lì, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật...”, anh Nguyễn Thành Đạt thông tin.
Anh Phạm Đức Hậu (phường Định Công, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Trồng cây ở ban công hay trên sân thượng gặp nhiều khó khăn vì điều kiện hạn chế, nhưng từ khi sử dụng nước tưới Humic, tôi thấy cây hoa và rau phát triển tốt, giảm thời gian tưới và công chăm bón”.
Lan tỏa khởi nghiệp trong tuổi trẻ Thủ đô
“Khởi nghiệp là một quá trình gian nan và Dự án "Nước tưới Humic cho nông nghiệp đô thị" triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nên đã gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, sau 6 tháng đầy nỗ lực, startup Humic Đức Thảo (số 54 phố Bà Triệu, quận Hà Đông) của chúng tôi đã được nhiều khách hàng biết đến và tin tưởng”, anh Lương Xuân Đức hào hứng.
Dù đã bán được nhiều sản phẩm, nhưng anh Lương Xuân Đức cho rằng, một trong những nhược điểm của dự án là khâu tiếp thị. Chàng sinh viên trẻ và đầy tham vọng này hy vọng, sau cuộc thi Demo Day Bách khoa 2020, sản phẩm của nhóm kết nối và mở rộng mạng lưới đến nhiều doanh nghiệp và khách hàng tiềm năng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bích Thủy, phụ trách Phòng thí nghiệm sáng tạo và khởi nghiệp chuyển đổi (D-Lab), Viện Kỹ thuật Hóa học (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đánh giá: “Ý tưởng về Dự án "Nước tưới Humic cho nông nghiệp đô thị" được Ban Giám khảo cuộc thi dành cho sinh viên kỹ thuật khởi nghiệp (Demo Day Bách khoa 2020) đánh giá cao về tính sáng tạo, tính khả thi và mô hình kinh doanh. Sau cuộc thi này, các sinh viên được trang bị thêm kiến thức chuyên sâu và kỹ năng về khởi nghiệp để tự tin hơn với những dự án trong tương lai”.
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, đứng trước xu hướng khởi nghiệp mạnh mẽ hiện nay, sinh viên khối ngành kỹ thuật có nhiều lợi thế khi được tiếp cận với các mảng kiến thức về kỹ thuật, công nghệ ngay từ thời gian học đại học. Qua các cuộc thi và các khóa học được tổ chức, nhà trường muốn trang bị thêm cho sinh viên kiến thức về tư duy sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Dự án "Nước tưới Humic cho nông nghiệp đô thị" là một dự án thiết thực cho cộng đồng. Với sức trẻ và sáng tạo, các sinh viên đã đưa ra sáng kiến, giải pháp giải quyết nhu cầu của cộng đồng. Nếu được hỗ trợ, định hướng tốt, những sáng chế này có thể phát triển, lan tỏa thành xu hướng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của tuổi trẻ Thủ đô và cả nước.