(HNM) - Sau hơn 2 năm hợp nhất, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được UBND thành phố Hà Nội giao, góp phần giảm tổn thất do thiên tai gây ra trên địa bàn Thủ đô. Phát huy kết quả đạt được, Ban đang đề xuất UBND thành phố giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động, hiệu quả tham mưu và điều hành công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong tình hình mới.
Thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai, tháng 6-2018, UBND thành phố Hà Nội quyết định thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội (Ban Chỉ huy thành phố) trên cơ sở hợp nhất 4 ban chỉ huy: Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn, Ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân và Cứu trợ bảo đảm đời sống nhân dân.
Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Phòng, chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy thành phố Trần Thanh Mẫn cho biết, ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ huy thành phố đã ban hành Quy chế tổ chức hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, từng thành viên; ban hành kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương... Song hành các hoạt động trên, Ban Chỉ huy thành phố đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy và các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, cơ quan báo chí tổ chức hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn... Sau hơn 2 năm hợp nhất, Ban Chỉ huy thành phố đã ban hành 14 công điện, 52 lệnh và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố triển khai nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...
Đánh giá kết quả hoạt động sau hơn 2 năm của Ban Chỉ huy thành phố, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, dù thu gọn về một đầu mối nhưng Ban vẫn luôn thống nhất trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai... Nhờ đó, tổn thất do thiên tai gây ra trên địa bàn thành phố Hà Nội đã giảm rất nhiều so với tính chất, cường độ của bão, lũ, hạn hán...
Tuy nhiên, Ban Chỉ huy thành phố cũng thẳng thắn đánh giá còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, Ban còn chậm ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực thiên tai. Một số thành viên của Ban Chỉ huy thành phố chưa dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ được phân công... Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế nêu trên là do lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn liên quan nhiều mặt của đời sống, kinh tế - xã hội nên cần phải lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương. Thành viên Ban Chỉ huy thành phố là người đứng đầu các sở, ngành nên khối lượng công việc cần giải quyết rất lớn...
Để nâng cao hiệu quả công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tranh thủ mọi nguồn lực kinh tế - xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Sở NN&PTNT Hà Nội (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy thành phố) đề xuất UBND thành phố tiếp tục duy trì cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy thành phố như hiện nay; chỉ đạo các đồng chí là thành viên Ban Chỉ huy thành phố bám sát địa bàn được phân công, lĩnh vực phụ trách để kịp thời chỉ đạo, xử lý khi có tình huống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, UBND thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho các văn phòng thường trực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ban Chỉ huy thành phố giao...