(HNMO) - Trưa và chiều nay (3-8), các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra mưa, lượng mưa phổ biến dưới 5mm; một số nơi lớn hơn, như: Thạch Thất 27,9mm, Phúc Thọ 18,4mm…
Dự báo từ tối nay (3-8) đến ngày 5-8, thành phố Hà Nội có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Các tỉnh, thành phố còn lại thuộc khu vực Bắc Bộ tiếp tục xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt; khu vực Đông Bắc và Việt Bắc có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa 150-300mm/đợt, có nơi cao hơn 350mm/đợt.
Đặc biệt, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao nên từ đêm 5-8 đến ngày 8-8, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ tiếp tục xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; khu vực Đông Bắc và Việt Bắc xảy ra mưa to đến rất to.
Thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình xuất hiện đợt lũ với biên độ 3-6m, hạ lưu 2-4m; đỉnh lũ trên sông Thao, sông Bùi, sông Cầu, sông Thương và Lục Nam có khả năng lên mức báo động cấp I - trên báo động cấp I; lũ trên sông Bôi, các sông suối khu vực Bắc Bộ có khả năng lên mức báo động cấp II - cấp III.
Vùng núi các tỉnh: Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Thái Nguyên có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các vùng thấp trũng, khu đô thị.
Trước diễn biến trên, ngày 3-8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ chỉ đạo chính quyền cơ sở và lực lượng phòng, chống thiên tai khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống nguy hiểm; bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người dân tham gia giao thông tại các khu vực ngầm, tràn, ngập sâu, nước chảy xiết; tuyên truyền, ngăn chặn không để người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Đặc biệt, các địa phương cần kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thủy điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống.
Chiều cùng ngày, Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có công điện đề nghị các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội) khẩn trương triển khai phương án phòng, chống úng ngập và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi.
Về tình hình thiệt hại, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, bão số 2 đã làm 2 người ở tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Hòa Bình bị chết do lũ cuốn trôi, sập đổ công trình.
Bên cạnh đó, bão còn làm 1.715ha lúa, hoa màu bị ngập; trong đó, tỉnh Quảng Ninh 47ha, tỉnh Bắc Giang 931ha, tỉnh Hà Tĩnh 737ha. Các tỉnh đang tập trung vận hành trạm bơm tiêu úng cho diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng.