(HNMO) - Bão số 2 đã làm 2 người chết, 1 người bị thương và thiệt hại nhiều tài sản. Hoàn lưu của bão gây ra mưa lớn trên diện rộng, tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, ngập úng trong những ngày tới.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, bão số 2 không gây ra các sự cố tàu thuyền, thiệt hại trên biển. Tuy nhiên, bão và hoàn lưu của bão đã gây thiệt hại nặng trên đất liền các tỉnh: Hòa Bình, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Cà Mau, Đắk Lắk...
Cụ thể, bão đã làm 2 người chết, 1 người bị thương do lũ cuốn trôi, sập đổ công trình. Bên cạnh đó, bão còn làm 4 ngôi nhà bị sập đổ, 13 ngôi nhà bị tốc mái; 931 ngôi nhà bị ngập... Ngoài ra, bão số 2 cũng làm 4.401ha lúa, cây trồng bị giảm năng suất, 17.070 gia cầm, 61 gia súc bị cuốn trôi, 28ha nuôi trồng thủy sản bị mất trắng, 200m đường giao thông bị sạt lở...
Hà Nội: 29 cây xanh gãy, đổ sau mưa dông
Báo cáo nhanh về tình hình cây đổ, cành gãy sau mưa dông ngày 2-8, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, mưa dông do ảnh hưởng của bão số 2 đã làm gãy đổ 29 cây xanh trên địa bàn các quận.
Trong đó, có 13 cây đổ tại các phố: Tô Hiệu, Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy); Lương Ngọc Quyến, Trần Quốc Toản, Hàng Muối (quận Hoàn Kiếm); Nguyễn Văn Cừ, Đặng Vũ Hỷ (quận Long Biên); Nguyễn Thái Học, Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Công Hoan (quận Đống Đa); đường Thanh Niên (quận Ba Đình); Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm). Các cây đổ có đường kính 15-30 cm, thuộc các chủng loại: Phượng, bông gòn, ban, bằng lăng, đa, sấu, dướng, bàng...
Ngoài ra, có 16 cây xanh bị gãy cành, gãy ngọn, nghiêng, bênh gốc, ngọn cây rủ nặng xuống đường trên các tuyến phố: Tuệ Tĩnh, Triệu Việt Vương, Nguyễn Công Trứ, Thuốc Bắc, Cát Linh, Láng Hạ, Thái Hà, Chùa Bộc, Nghĩa Tân, Hoàng Ngân kéo dài, Võ Chí Công, Trần Duy Hưng, Nguyễn Cơ Thạch, công viên hồ Đền Lừ. Các cây gãy cành chủ yếu là phượng (4 cây), muồng (4 cây); còn lại là: Bằng lăng, trứng cá, sưa đỏ, giáng hương, ban. Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội đã bố trí lực lượng, thiết bị giải tỏa cây xanh gãy, đổ, bảo đảm an toàn và giao thông đi lại.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, nhờ chủ động thực hiện cắt tỉa, bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh trong mùa mưa bão nên tình trạng cây gãy, đổ do mưa bão trong 4 năm gần đây đã giảm rõ rệt.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 nên từ ngày 3-8 đến 5-8, thành phố Hà Nội tiếp tục xảy ra mưa vừa, mưa to, lượng mưa phổ biến 20-40mm/24 giờ, có nơi cao hơn 60mm/24 giờ; các tỉnh còn lại thuộc khu vực Bắc Bộ xảy ra mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, tổng lượng mưa 100-250mm/đợt; khu vực Việt Bắc và Đông Bắc có mưa to đến rất to, lượng mưa 200-350mm/đợt, có nơi cao hơn 400mm/đợt.
Đặc biệt, do rãnh áp thấp kết hợp với vùng hội tụ gió trên cao nên từ ngày 5-8 đến 8-8, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ tiếp tục xảy ra mưa vừa, có nơi mưa to và dông; riêng vùng núi và trung du có mưa to đến rất to. Do mưa lớn trên diện rộng, trong nhiều ngày nên các tỉnh vùng núi phía Bắc có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trong những ngày tới...
Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định, trong tháng 8-2020, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 1-2 xoáy thuận nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão. Cũng trong tháng này, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện 3-4 đợt mưa dông...