(HNM) - Không thuận lợi về địa hình, hạn chế về nhận thức, thiếu kỹ năng ứng phó… đã tạo ra những thách thức, nguy cơ rủi ro thiên tai. Để giảm nguy cơ này, công tác đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai cho người dân đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hà Nội.
Nằm ở bãi giữa sông Hồng, người dân xã đảo Minh Châu (huyện Ba Vì) thường xuyên đối diện với nguy cơ xảy ra đuối nước, nhất là trong mùa mưa bão, nước sông Hồng dâng cao… “Dân sông nước đấy, nhưng một số người dân ở đây chưa biết bơi, thiếu kỹ năng cứu người đuối nước trên sông… Hạn chế này đã tạo ra những khó khăn trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai của địa phương”, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Châu Nguyễn Danh Hưng chia sẻ.
Không riêng Minh Châu, nhiều địa phương nằm ven các sông: Hồng, Đà, Đuống… cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra thiệt hại liên quan yếu tố sông nước, nhất là vào những ngày mưa bão, xuất hiện lũ trên sông…
Khác với vùng sông nước, người dân các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức… có địa hình đồi, núi lại đối diện với nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất… Còn các địa phương vùng đồng bằng, thách thức lớn nhất trong công tác phòng, chống thiên tai là nguy cơ xảy ra úng ngập, dông, lốc, sét, gãy đổ cây xanh, rơi biển quảng cáo…
Theo ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội, để giảm rủi ro, hạn chế tổn thất thiệt hại, Hà Nội xác định công tác phổ biến, tuyên truyền kiến thức và tập huấn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai cho người dân là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số đơn vị, địa phương do chủ quan nên chưa chú trọng công tác này...
Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai đề án Nâng cao nhận thức, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho người dân và cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống thiên tai. Tại các lớp tập huấn này, giảng viên của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội, Chi cục Thủy lợi Hà Nội hướng dẫn xây dựng kế hoạch, kỹ năng phòng/tránh một số loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn, như: Úng ngập, dông, lốc, sét, lũ, sạt lở đất...
Sau khi tham gia các lớp tập huấn, nhiều người nhận diện được mức độ nguy hiểm của một số loại hình thiên tai và biết kỹ năng phòng, tránh… "Trước đây, gia đình tôi ứng phó với lũ lụt, úng ngập chủ yếu bằng phản xạ tự nhiên nên thiệt hại vẫn xảy ra. Từ khi tham gia lớp tập huấn, gia đình tôi đã xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên chuẩn bị đồ dùng, nhu yếu phẩm cần thiết đề phòng bị cô lập khi xảy ra lũ quét, sạt lở đất...”, bà Nguyễn Thị Liên, người dân xã An Phú (huyện Mỹ Đức) cho hay.
“Hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai, Sở NN&PTNT Hà Nội đang đề xuất các cấp, các ngành nghiên cứu, đưa nội dung phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu vào chương trình đào tạo chính thức trong các cấp học. Trước mắt, Sở NN&PTNT tiếp tục đổi mới, đa dạng hình thức truyền thông để nâng cao kỹ năng phòng, chống, giảm rủi ro thiên tai cho người dân…”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin.