Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Công văn số 1760/BNNMT-MT hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn. Hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tăng cường tối đa tái sử dụng, tái chế chất thải, giảm thiểu tối đa khối lượng chất thải phải xử lý, giảm dần tỷ lệ chôn lấp trực tiếp chất thải và hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong những năm tới.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có những hướng dẫn về việc xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn (xã miền núi, vùng cao và đặc khu). Ở các khu vực này, rác thải được xử lý tập trung liên xã: Xử lý tập trung liên xã là xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho từ hai xã miền núi, vùng cao và đặc khu trở lên trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Xử lý tập trung cấp xã: Xử lý tập trung cấp xã là xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho một xã miền núi, vùng cao hoặc đặc khu tại một địa điểm xử lý; Xử lý phân tán tại hộ gia đình, cụm hộ gia đình (từ hai hộ gia đình trở lên): Xử lý phân tán tại hộ gia đình, cụm hộ gia đình là xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho quy mô hộ gia đình hoặc từ hai hộ gia đình trở lên.
Việc lựa chọn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn (xã miền núi, vùng cao) và đặc khu theo thứ tự ưu tiên như sau:
Xử lý phân tán tại hộ gia đình, cụm hộ gia đình (từ hai hộ gia đình trở lên): Xử lý phân tán chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cụm hộ gia đình áp dụng đối với: Xử lý chất thải thực phẩm trong trường hợp có nhu cầu sử dụng sản phẩm sau xử lý hoặc chuyển giao làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; Phân loại, sơ chế chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế trong trường hợp có thị trường tiêu thụ; Xử lý chất thải cồng kềnh trong trường hợp có nhu cầu sử dụng sản phẩm sau sơ chế, phục hồi để tái sử dụng.
Xử lý tập trung cấp xã, trong đó ưu tiên lựa chọn hình thức xử lý liên hợp đối với nhiều loại chất thải để tối ưu chi phí đầu tư, vận hành; Xử lý tập trung liên xã, trong đó ưu tiên lựa chọn hình thức xử lý liên hợp đối với nhiều loại chất thải để tối ưu chi phí đầu tư, vận hành.
(Ảnh minh họa).
Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành hướng dẫn lựa chọn mô hình xử lý đối với từng loại chất thải sau phân loại, thu gom. Trong đó, đối với chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế: Xử lý bằng phương pháp phân loại thành các nhóm chất thải phù hợp với từng mục đích tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, thủy tinh,…): Áp dụng mô hình xử lý tập trung liên xã, xử lý tập trung cấp xã, xử lý phân tán tại hộ gia đình, cụm hộ gia đình khi đáp ứng các điều kiện tại mục I.1 Phụ lục.
Xử lý bằng phương pháp phân loại, sơ chế (ép, nghiền, cắt,…), giảm thể tích trước khi cung cấp làm nguyên liệu sản xuất: Áp dụng mô hình xử lý tập trung liên xã, xử lý tập trung cấp xã, xử lý phân tán tại hộ gia đình, cụm hộ gia đình khi đáp ứng các điều kiện tại mục I.2 Phụ lục.
Đối với chất thải thực phẩm, chất thải thực phẩm được xử lý theo thứ tự ưu tiên như sau: Tái sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: Áp dụng mô hình xử lý phân tán tại hộ gia đình, cụm hộ gia đình khi đáp ứng các điều kiện tại mục II.1 Phụ lục. Chuyển giao cho cơ sở chăn nuôi (trang trại chăn nuôi tập trung), cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản: Áp dụng mô hình xử lý phân tán tại hộ gia đình, cụm hộ gia đình khi đáp ứng các điều kiện tại mục II.2 Phụ lục.
Xử lý chất thải thực phẩm thành mùn hữu cơ: Áp dụng mô hình xử lý tập trung liên xã, xử lý tập trung cấp xã, xử lý phân tán tại hộ gia đình, cụm hộ gia đình khi đáp ứng các điều kiện tại mục II.3 Phụ lục. Xử lý chất thải thực phẩm thành phân hữu cơ: Áp dụng mô hình xử lý tập trung liên xã, xử lý tập trung cấp xã khi đáp ứng các điều kiện tại mục II.4 Phụ lục.
Xử lý chất thải thực phẩm có thu hồi năng lượng sinh khối (biogas): Áp dụng mô hình xử lý tập trung liên xã, xử lý tập trung cấp xã, xử lý phân tán tại hộ gia đình, cụm hộ gia đình khi đáp ứng các điều kiện tại mục II.5 Phụ lục.
Đối với chất thải cồng kềnh: Áp dụng mô hình xử lý tập trung liên xã, xử lý tập trung cấp xã, xử lý phân tán tại hộ gia đình (không áp dụng cho cụm hộ gia đình) khi đáp ứng các điều kiện tại mục III.1 Phụ lục. Đối với chất thải nguy hại: Áp dụng mô hình xử lý tập trung liên xã, xử lý tập trung cấp xã khi đáp ứng các điều kiện tại mục III.2 Phụ lục.
Chất thải sinh hoạt khác còn lại được xử lý theo thứ tự ưu tiên như sau: Đồng xử lý trong lò nung xi măng: Áp dụng mô hình xử lý tập trung liên xã, xử lý tập trung cấp xã khi đáp ứng các điều kiện tại mục III.3.1 Phụ lục. Đốt thu hồi năng lượng để phát điện: Áp dụng mô hình xử lý tập trung liên xã khi đáp ứng các điều kiện tại mục III.3.2 Phụ lục.
Đốt thu hồi năng lượng (nhiệt): Áp dụng mô hình xử lý tập trung liên xã, xử lý tập trung cấp xã khi đáp ứng các điều kiện tại mục III.3.3 Phụ lục. Đốt tiêu hủy không thu hồi năng lượng: Áp dụng mô hình xử lý tập trung liên xã, xử lý tập trung cấp xã khi đáp ứng các điều kiện tại mục III.3.4 Phụ lục.
Áp dụng các công nghệ mới thân thiện môi trường: Áp dụng mô hình xử lý tập trung liên xã, xử lý tập trung cấp xã khi đáp ứng các điều kiện tại mục III.3.5 Phụ lục. Chôn lấp hợp vệ sinh: Áp dụng mô hình xử lý tập trung liên xã, xử lý tập trung cấp xã khi đáp ứng các điều kiện tại mục III.3.6 Phụ lục./.
Trần Vân
Nguồn thiennhienmoitruong.vn
Link bài gốchttps://thiennhienmoitruong.vn/huong-dan-xay-dung-mo-hinh-xu-ly-rac-thai-sinh-hoat-tai-cac-xa-mien-nui.html