(HNM) - Hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, bỏ rác đúng nơi quy định, cập nhật kiến thức về ô nhiễm không khí và biện pháp phòng tránh... Đó là những việc làm thiết thực đang được quận Hoàn Kiếm triển khai hiệu quả ở các trường học trên địa bàn. Qua đó đã góp phần làm lan tỏa những hành động bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Một buổi sinh hoạt dưới cờ của các học sinh Trường Tiểu học Trần Quốc Toản diễn ra cuối tháng 9 vừa qua khá sôi động. Tại đây, các em được hòa mình vào các tiết mục văn nghệ mang thông điệp “xanh”; được truyền thông và tham gia các trò chơi vui nhộn tìm hiểu về bảo vệ môi trường, như: Tác hại khi sử dụng túi ni lông, hộp xốp đựng thức ăn, ống hút nhựa, túi bóng bọc sách vở; tác hại của khói từ bếp than tổ ong, phương tiện giao thông... đối với môi trường và sức khỏe con người, từ đó có biện pháp để phòng tránh.
Hào hứng tham gia trả lời câu hỏi và được nhận quà, em Nguyễn Hữu Khánh, học sinh lớp 3E, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản chia sẻ: “Thường ngày, do chưa hiểu rõ tác hại nên gia đình cháu vẫn sử dụng sản phẩm làm từ nhựa dùng 1 lần như chai nước, hộp, thìa nhựa... Bây giờ, khi về nhà em sẽ cùng gia đình hạn chế dùng sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường”. Còn cô giáo Phan Thu Huyền, chủ nhiệm lớp 3E cho biết: “Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh là việc làm thường xuyên của nhà trường.
Hằng ngày, sau khi uống sữa học đường, chúng tôi hướng dẫn các em gấp vỏ hộp sữa, xếp gọn để các đơn vị tới thu gom. Với các giờ học thủ công có cắt giấy, học sinh đều bỏ rác thừa vào giỏ riêng để tái chế. Mặc dù diện tích trường không lớn, nhưng nhà trường vẫn bố trí các chậu hoa, cây xanh dọc hành lang lớp học và trồng vườn rau xanh trên tầng thượng, giao cho các lớp chăm sóc... Việc này vừa giáo dục ý thức cho học sinh về trồng cây bảo vệ môi trường, vừa tạo cảnh quan sạch đẹp”.
Tương tự, tại Trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, ngoài lồng ghép nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào các tiết học, nhà trường còn triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa”, phổ biến tới học sinh hạn chế sử dụng chai nhựa, thay thế bằng bình giữ nhiệt để sử dụng lâu dài và an toàn. Với các lớp dùng micro chạy bằng pin, giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh thu gom pin đã sử dụng, tập kết tại điểm riêng để xử lý theo quy định. Đặc biệt, học sinh nhà trường còn thường xuyên tham gia vệ sinh môi trường tại phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận..
Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm Trịnh Thị Minh Phương cho biết, những năm gần đây, UBND quận đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức nhiều chương trình giáo dục môi trường cho học sinh. Năm 2019, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyên truyền giáo dục môi trường tại 11 trường trung học cơ sở và tiểu học với chủ đề: “Rác thải thông minh, bình yên môi trường, hướng tới xây dựng quận Hoàn Kiếm sáng, xanh, sạch, đẹp”. Ngoài ra, tại các trường còn lồng ghép tuyên truyền nội dung bảo vệ môi trường vào các tiết học: Phát thanh măng non, thi tìm hiểu bảo vệ môi trường, vẽ tranh... Chị Đặng Thùy Trang, phụ trách truyền thông của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng cho biết, với hình thức trò chơi vui nhộn dễ thu hút học sinh; nội dung tuyên truyền dễ hiểu, dễ nhớ thông qua dụng cụ trực quan sinh động sẽ tạo không khí sôi nổi, hào hứng trong học đường...
Là quận trung tâm Thủ đô, nơi thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, Hoàn Kiếm luôn nỗ lực xây dựng quận xanh, sạch, đẹp. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long, tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh trong các nhà trường là việc làm có ý nghĩa quan trọng, hình thành tác phong trong các em ngay từ nhỏ. Đặc biệt, học sinh sẽ nhắc nhở bố mẹ và người thân trong gia đình cùng thực hiện. Đây sẽ là một trong những nền tảng thuận lợi, giúp quận Hoàn Kiếm tiếp tục xây dựng phố phường sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần tô đẹp Thủ đô.