(HNMO) – Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ sáng 7-11, bão số 6 đã đổi hướng, quay về phía Việt Nam và mạnh lên khi đi trên biển, trước khi giảm cấp lúc vào bờ. Dự báo bão số 6 đổ bộ các tỉnh Nam Trung Bộ vào ngày 10 và 11-11, nhưng gây mưa lớn tại đây ngay từ ngày 9-11.
Bão số 6 mạnh nhất trong năm 2019
Tiến sĩ Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, thời điểm bão số 6 mạnh nhất đạt cấp 11-12 khi còn di chuyển trên vùng biển tương đối ấm và không khí lạnh còn ở xa. Khi vào gần bờ, gặp vùng biển lạnh hơn, không khí lạnh đã xuống tới khu vực Trung Bộ trước đó nên bão số 6 nhiều khả năng suy yếu đi 2-3 cấp, thậm chí yếu hơn khi tiến sát vùng biển ngoài khơi các tỉnh Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mưa to đến rất to khả năng cao sẽ tập trung trong khoảng thời gian từ đêm 9 đến hết ngày 11-11 ở khu vực các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên và phía Đông của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, với lượng mưa trong 1 ngày có thể đạt trên 100mm.
Để ứng phó với bão, theo báo cáo nhanh số 411/BC-CQTT ngày 6-11 của Cơ quan Thường trực Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (đến 16 giờ ngày 6-11) đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 47.330 phương tiện/243.063 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, trong đó hoạt động trong khu vực giữa Biển Đông có 176 tàu/3.391 người; hoạt động ven bờ, các vùng biển khác và neo tại bến có 47.154 tàu/239.672 người. Hiện có 100.764 lồng bè nuôi trồng thủy sản/11.216 người. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng đã tham mưu các cấp, các ngành liên hệ với phía Philippines cho 9 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi vào tránh bão.
Tại quần đảo Trường Sa, tính đến ngày 6-11, đã có hơn 120 tàu cá và hơn 1.200 ngư dân các địa phương từ Quảng Ngãi đến Phú Yên vào các âu tàu đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn. Bộ đội Hải quân đã cùng ngư dân chằng buộc tàu thuyền, đảm bảo an toàn về người và phương tiện trong bão.
Các địa phương chủ động phòng chống bão số 6
Tại Bình Định, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, công tác kiểm đếm và kêu gọi tàu cá của ngư dân trên biển đang được ngành chức năng, chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai.
Kết quả cho thấy, có 5.824 tàu/40.066 ngư dân hoạt động ven bờ và neo đậu tại các cảng cá, bến cá trong tỉnh; khu vực biển từ Thừa Thiên-Huế đến Hải Phòng có 56 tàu/448 ngư dân; từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng có 163 tàu/1.142 ngư dân; từ Phú Yên đến Kiên Giang 150 tàu/1.200 ngư dân; khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa 3 tàu/23 ngư dân; vùng biển giữa Hoàng Sa và Trường Sa có 5 tàu/46 ngư dân; khu vực quần đảo Trường Sa có 32 tàu/254 ngư dân.
Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, các huyện, thành phố ven biển đã và đang phối hợp với gia đình chủ tàu thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão số 6 để chủ động phòng tránh.
Tại Phú Yên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương khẩn trương khắc phục các công trình bị sự cố, hư hỏng do bão số 5 gây ra, đồng thời triển khai phương án sẵn sàng ứng phó cơn bão số 6.
UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của bão để kịp thời triển khai phương án ứng phó, tổ chức thực hiện tốt theo “phương châm 4 tại chỗ”; chủ động di dời dân các vùng xung yếu, trũng thấp đến nơi an toàn, nhất là trên các tàu thuyền, bè nuôi thủy sản, vùng cửa sông, vùng có khả năng xảy ra triều cường…
UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện, thủy lợi rà soát các phương án nhằm đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập; thực hiện xả nước đón lũ đúng theo quy định, hạn chế ngập lụt vùng hạ du.