Theo khảo sát của phóng viên báo Người Đưa Tin, đề án thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội đang gặp rất nhiều ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng đề án này chưa thể giải quyết được bài toán ùn tắc giao thông như hiện nay.
Mới đây, sở GTVT Hà Nội đã có văn bản báo cáo dự toán đề án thu phí phương tiện cơ giới và một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào. Đề án nhằm từng bước thực hiện các giải pháp hạn chế xe cá nhân vào trong khu vực nội đô.
Dự toán kinh phí thực hiện đề án hết gần 500 triệu đồng lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước (sự nghiệp kinh tế). Nếu được thông qua dự toán, đề án dự kiến sẽ được hoàn thiện trong 3 tháng và trình HĐND thành phố vào cuối năm 2019.
Ngay sau khi được công bố, đề án đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhiều người đặt ra câu hỏi vậy việc thu phí sẽ được thưc hiện như thế nào? Đối tượng thu phí là ai? Đề án này liệu có được áp dụng vào thực tế hay không?...
Tắc đường là do ô tô?
Chia sẻ với phóng viên, anh Vũ Duy Đông - tài xế taxi chia sẻ: “Tôi thấy đề xuất thu phí ô tô vào nội đô là không hợp lý. Bởi lẽ, xảy ra tình trạng tắc đường như hiện nay đâu phải chỉ vì ô tô đi vào nội đô mà còn nhiều nguyên nhân như hệ thống giao thông ở nước ta còn nhiều hạn chế, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao, dân cư sinh sống trong nội thành quá lớn,...
Hơn nữa, việc xây dựng các trạm thu phí liệu có giảm thiểu được ùn tắc giao thông hay lại khiến tình trạng này phức tạp hơn?”.
Là một người thường xuyên di chuyển qua đường vành đai 3 để vào nội đô, anh Phạm Bắc Bộ - quê Ninh Bình nói: “Cá nhân tôi cho rằng đề xuất thu phí ô tô vào nội đô chưa thực sự khả thi. Vào giờ cao điểm, nhu cầu đi lại của người dân đặc biệt là di chuyển vào khu vực nội đô là rất cao bởi các cơ quan đoàn thể chủ yếu nằm ở trung tâm thành phố. Trong khi đó, hệ thống phương tiện giao thông công cộng hiện nay chưa đáp ứng hết được nhu cầu đi lại của người dân nên họ buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân.
Việc thu phí qua thẻ ngân hàng cũng còn một số hạn chế, nếu người dân không nộp tiền vào thẻ thì sẽ thu phí thế nào hay những xe ngoại tỉnh vài tháng mới có việc cần di chuyển vào nội đô thì có nhất thiết họ phải tạo một tài khoản mới hay không...?”.
“Bình thường, để tham gia giao thông thì một chiếc ô tô đã phải chịu rất nhiều thứ phí rồi, bây giờ nếu thu thêm phí ô tô vào nội đô nữa thì tôi cho rằng không hợp lý. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét thực trạng hệ thống đường xá ở nước ta hiện nay xem đã phục vụ tốt cho người dân hay chưa, người dân đóng phí đầy đủ nhưng tình trạng “ổ gà, ổ voi” vẫn xuất hiện nhiều trên các tuyến đường.
Nếu TP. Hà Nội áp dụng việc thu phí ô tô vào nội đô thì có thể sẽ phát sinh thêm nhiều hệ lụy như giá dịch vụ, thực phẩm sẽ tăng cao do xe ô tô vận chuyển bị thu phí hay tình trạng người dân tìm đường khác để “né” các trạm thu phí”, anh Nguyễn Hữu Tường (quận Hà Đông, TP. Hà Nội) cho biết.
Sở GTVT lên tiếng
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề này, lãnh đạo sở GTVT Hà Nội cho biết, đây mới là đề xuất và hiện vẫn đang được nghiên cứu một cách cẩn trọng. Việc áp dụng thu phí ô tô vào nội đô ở Hà Nội cũng như các địa phương trên cả nước phải được nghiên cứu trên cơ sở đặc điểm và tình trạng hệ thống giao thông vận tải cũng như thói quen đi lại của người dân,... mới có thể vận dụng thành công.
Theo đó, sở GTVT Hà Nội sẽ nghiên cứu thu phí trong phạm vi được xác định theo đường vành đai khép kín trong địa bàn thành phố Hà Nội. Khi áp dụng phạm vi thu phí theo vành đai, tất cả ô tô ngoài vành đai đi vào thành phố sẽ bị thu phí. Việc lựa chọn vành đai nào để thu phí sẽ dựa trên các kết quả đánh giá tác động giao thông trong quá trình xây dựng đề án.
Việc áp dụng kỹ thuật công nghệ hệ thống thu phí sẽ được sở GTVT phân tích trên một số khía cạnh đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn. Qua nghiên cứu sẽ xác định đối tượng chịu phí, phạm vi thu cũng như công nghệ thu phí...
Về hệ thống kiểm soát phí, sở GTVT cho biết sẽ ứng dụng công nghệ nhận diện vô tuyến RFID và công nghệ tự động nhận dạng biển số xe ANPR. Hệ thống này sẽ được đồng bộ với hệ thống thu phí quốc lộ và cao tốc trên cả nước.
Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc thu phí giao thông là để hạn chế sự di chuyển của phương tiện cơ giới cá nhân vào các khu vực tập trung mật độ giao thông cao. Việc này đã được nhiều nơi trên thế giới như: Singapore, London, Stockholm, Seoul, Dubai... áp dụng thành công.
Điểm bất hợp lý
Luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty TAT Law firm, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết: "Theo qui định tại Điều 23 Hiến pháp năm 2013: "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật qui định".
Như vậy, có thể hiểu rằng việc tự do đi lại, tự do cư trú của mọi công dân Việt Nam ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam đều là hợp pháp và hợp hiến. Do vậy, không thể có bất cứ qui định nào có thể hạn chế quyền tự do đi lại và cư trú của công dân trái với qui định của Hiến pháp.
Đây là một trong những quyền nhân thân quan trọng được nhà nước bảo hộ, có quyền tự do đi lại đến nơi mình muốn mà không gặp cản trở từ phía người khác, loại trừ những khu vực bị Nhà nước cấm như các khu quân sự, khu bảo vệ rừng phòng hộ hay những người có hành vi vi phạm pháp luật bị hạn chế đi lại theo bản án, quyết định của tòa án.
Về cơ sở pháp lý, có thể thấy rằng với đề án này loại phí được thu không nằm trong qui định tại Luật phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Do đó nếu áp dụng thu loại phí này dẫn đến tình trạng loạn phí, thu phí chồng phí bởi người dân thành phố đã phải nộp rất nhiều các loại phí khác nhau. Do đó, nội dung của đề án đã đi ngược lại các qui định nói trên và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của người dân.
Nguyễn Lâm - Hữu Thắng