Các kênh nước được người Australia bản địa xây dựng hàng nghìn năm trước để bẫy và thu hoạch lươn làm thức ăn đã lộ ra sau khi hỏa hoạn thiêu rụi thảm thực vật ở bang Victoria.
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), cảnh quan văn hóa Budj Bim, bao gồm các kênh, đập nước và đê được xây dựng từ đá núi lửa, là một trong những hệ thống nuôi trồng thủy sản rộng lớn và lâu đời nhất thế giới. Được người Gunditjmara xây dựng hơn 6.600 năm trước, nó lâu đời hơn các kim tự tháp của Ai Cập.
Trong khi hệ thống thủy sinh đã được thêm vào danh sách di sản Thế giới của UNESCO vào tháng 7 năm ngoái, các phần bổ sung đã được tiết lộ khi các đám cháy càn quét bang này vào tháng 12.
Đại diện của Gunditjmara, Denis Rose, Giám đốc dự án của Tập đoàn phi lợi nhuận Gunditj Mirring Traditional Owners Aboriginal Corporation, nói với CNN rằng hệ thống này lớn hơn đáng kể so với những gì được ghi lại trước đây.
"Khi chúng tôi trở lại khu vực, chúng tôi đã tìm thấy một kênh ẩn trong cỏ và các thảm thực vật khác. Nó có chiều dài khoảng 25 m, đó là kích thước khá đáng kể", Rose nói.
Ông cho biết các cấu trúc mới hợp nhất với các kênh và ao hiện có thể nhìn thấy được tại hiện trường các đám cháy.
Theo trang web của Tập đoàn Aboriginal, hệ thống nuôi trồng thủy sản, một phần của Vườn quốc gia Budj Bim, được xây dựng bởi người dân bản địa sử dụng đá núi lửa dồi dào từ ngọn núi lửa không còn hoạt động trong khu vực.
UNESCO cho biết, người dân Gunditjmara đã sử dụng hệ thống này để điều chuyển và định hướng đường thủy nhằm tối đa hóa năng suất nuôi trồng thủy sản.
Theo chính quyền bang Victoria, Gunditjmara là một trong các nhóm người bản địa từng cư trú ở khu vực phía nam của bang Victoria ngày nay trước khi người châu Âu đến định cư.
Rose nói rằng ông cảm thấy nhẹ nhõm vì các vụ hỏa hoạn không gây ra quá nhiều thiệt hại cho khu vực so với các khu vực khác của Australia và hy vọng nó sẽ cung cấp cơ hội tốt để khám phá thêm hệ thống nuôi trồng thủy sản cổ đại.