(HNM) - Theo báo cáo của Viện Tài nguyên thế giới (WRI) mới công bố, gần 1/4 dân số thế giới tại 17 quốc gia đang sống trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Đây là nguy cơ từng được cho là “không tưởng” trước kia, nhưng giờ đây đang trở nên cấp bách.
Báo cáo được công bố trong bối cảnh hàng loạt sự kiện đáng lo ngại liên quan tới thiếu hụt nước đã xảy ra thời gian qua. Trong đó, có việc các hồ chứa tại Chennai, thành phố lớn thứ 6 của Ấn Độ, đã gần như cạn kiệt hay cư dân tại Cape Town (Nam Phi) hồi năm 2018 đã tiến sát tới mốc không còn nước để sử dụng. Ngay cả thủ đô Rome của Italia, đô thị tiên tiến bậc nhất của châu Âu, cũng buộc phải tiến hành các biện pháp tiết kiệm nước vào năm 2017.
Báo cáo chỉ ra rằng mức nước hao hụt khỏi sông hồ và các nguồn nước ngầm trên toàn cầu hiện nay đã tăng gấp đôi so với những năm 60 của thế kỷ trước do nhu cầu sử dụng của con người tăng cao và chưa có dấu hiệu chậm lại.
Theo thống kê của WRI, hiện có 12 trên tổng số 17 quốc gia được đề cập trong báo cáo đang ở tình trạng báo động về nước là: Qatar, Israel, Lebanon, Iran, Jordan, Libya, Kuwait, Saudi Arabia, Eritrea, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Oman. Việc thiếu nước được dự báo sẽ khiến những khu vực này chịu tổn hại kinh tế lớn, thậm chí có thể mất tới 6-14% GDP vào năm 2050 theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. WRI cũng cảnh báo, nhiều quốc gia tuy không khan hiếm nước về tổng thể nhưng vẫn chứng kiến tình trạng thiếu nước ở một số khu vực.
Khoảng cách hẹp giữa cung và cầu như vậy khiến các quốc gia dễ bị rơi vào "khủng hoảng nước" nếu gặp hạn hán hoặc nhu cầu sử dụng tài nguyên này tăng đột biến. Theo tính toán, các ngành nông nghiệp, công nghiệp và nước sinh hoạt trong thành phố của 17 quốc gia “khan hiếm nước rất cao” nêu trên đã sử dụng đến 80% lượng nước qua xử lý và nước ngầm trung bình một năm. Trong khi đó, 44 quốc gia (tương đương 1/3 dân số toàn cầu) cũng bị WRI xếp vào dạng “nguy cơ thiếu nước cao” khi nhu cầu sử dụng hằng năm chiếm tới khoảng 40% khả năng cung cấp nước.
Để hạn chế phụ thuộc vào tự nhiên và phòng ngừa rủi ro, một trong những khuyến nghị được đưa ra là tập trung phát triển các giải pháp tái sử dụng, tái thu hồi nước. Tuy nhiên, hoạt động này hiện chưa được đề cao. Số liệu ghi nhận chỉ ra rằng có tới 82% nước thải tại các nước Bắc Phi không được tái sử dụng. Trong khi đó, tuy 84% nước thải tại các quốc gia vùng Vịnh (Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia, UAE) đã được xử lý đến mức an toàn, nhưng chỉ 44% trong số đó được tái sử dụng.
Khan hiếm nước đã và đang là cuộc khủng hoảng lớn nhất nhưng không thường được nhắc tới. Tuy nhiên, nguy cơ này thực sự nghiêm trọng và có tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế, chính trị, xã hội ngang bằng khủng hoảng lương thực, xung đột, di dân hay bất ổn tài chính. Mối đe dọa này cũng cần được nhận thức đúng đắn và hành động thực tế để hạn chế những rủi ro mà nó mang lại.