Tại hội thảo “Môi trường kinh doanh Việt Nam 2016 – 2019 qua xếp hạng Doing Business: kết quả và một số gợi ý cải cách” diễn ra ngày 28.10, ông Đỗ Cao Bảo, ủy viên HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng làm thêm giờ là quyền của người lao động chứ không phải nghĩa vụ. Trong xã hội có nhiều người thích làm thêm, ngoài ra còn có những người muốn làm thêm vì nhu cầu kinh tế.
“Ai muốn làm thêm? Văn nghệ sĩ, giáo viên, vận động viên, kiến trúc sư, lập trình viên, người kinh doanh… họ làm vì đam mê, muốn tạo ra sản phẩm tốt cho xã hội, họ yêu nghề nghiệp, ấy thế mà ta lại khống chế, không cho họ làm. Đó là đi ngược với mong muốn của con người”, ông Bảo nói.
Theo ông Bảo, nếu nhà nước muốn bảo vệ cho những người không muốn làm thêm giờ thì nên tìm cách khác chứ không nên quy định cứng như trong dự luật.
Cũng theo ông Bảo, doanh nghiệp muốn nâng số giờ làm thêm trong năm là do bản chất của hoạt động kinh doanh, do nhu cầu của thị trường chứ không phải là doanh nghiệp muốn bóc lột người lao động. Ngành nghề nào cũng có thời kỳ cao điểm và thấp điểm: cao điểm cần nhiều lao động, thấp điểm cần ít lao động. Doanh nghiệp không thể duy trì số lượng lao động ngang với thời kỳ cao điểm hoặc thấp điểm mà phải duy trì ở mức độ trung bình.
Theo ông Bảo, một cá nhân muốn thoát nghèo thì ngoài kỹ năng, kiến thức cần có sự chăm chỉ. “Chả ông nào thoát nghèo, dù giỏi mấy, mà không cần chăm chỉ. Quốc gia cũng vậy, nước nghèo muốn giàu mà người dân không chăm chỉ thì chẳng có cách nào khác. Lẽ ra, chúng ta phải truyền cho nhau khát vọng đất nước nhất định giàu, trong khát vọng đó phải thể hiện tinh thần chăm chỉ, tại sao lại có luật cấm chăm chỉ? Một luật ngớ ngẩn”.
Ông Bảo nhấn mạnh, lẽ ra phải truyền cho toàn dân tinh thần chăm chỉ thì dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lại dẹp bớt tinh thần chăm chỉ. “Không muốn lao động mà muốn giàu có, muốn giàu có lại muốn ít làm, muốn ít làm lại đòi cuộc sống cao, làm gì có chuyện đó được”, ông Bảo nói.
Ông Bảo cũng cho rằng tư duy của Luật Lao động bị sai. “Chúng ta quy định 200 giờ làm thêm/năm, tức là cứ 8 giờ làm việc sẽ được làm thêm 4 giờ. Lẽ ra người càng nghèo thì càng phải lao động, nước càng nghèo càng phải chăm chỉ. Trên thế giới, quốc gia nghèo cho người lao động làm thêm thoải mái, miễn là ông chủ và người lao động thỏa thuận tự nguyện với nhau. Khi đã giàu lên rồi họ mới quy định số giờ làm thêm mà cũng bắt đầu với con số rất cao.
Ví dụ như Hàn Quốc, thời kỳ trước, họ quy định thời gian làm thêm là 28 giờ/tuần, tức 1.400 giờ/năm, sau đó họ mới giảm xuống 12 giờ/tuần, nhẩm ra cỡ 500 – 600 giờ/năm. Tức là họ đi từ không quy định số giờ làm thêm rồi đặt ra quy định, rồi giảm dần, giảm dần.
“Thế mà ở ta, mới nâng lên 300 giờ/năm đã lo bóc lột lao động. Một số người dân túy muốn lấy lòng người lao động - tôi cho rằng có rất nhiều người muốn lấy lòng người lao động – giả vờ hô lên tôi bảo vệ người lao động chỉ được làm thêm 200 giờ/năm…”, ông Bảo nói.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng nhà nước phải khuyến khích người dân lao động chăm chỉ, năng động, sáng tạo. Chỉ có như vậy, người lao động mới nâng cao được thu nhập, tạo ra nhiều giá trị gia tăng và quốc gia mới trở nên thịnh vượng.
“Tôi cho rằng chúng ta đã tiếp cận sai từ đầu. Người xây dựng (dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi) đã có cách tiếp cận không phù hợp với thực tế hiện nay cũng như xu hướng chung. Nếu giảm giờ làm thì chúng ta chỉ bảo vệ được những người lao động lười biếng, khuyến khích sự lười biếng nhiều hơn chứ không phải gia tăng phúc lợi hay thu nhập của người lao động”, ông Cung nói.
Ông Cung hi vọng một dự luật được thông qua với những thay đổi mạnh mẽ hơn, khích lệ tinh thần lao động.
“Người nghèo đương nhiên làm việc nhiều. Người giàu làm cái khác nhưng chắc chắn là phải chăm chỉ hơn, nỗ lực hơn thì mới giàu có được một cách chính đáng”, ông Cung nói thêm.
Lam Thanh