Chiều 28/10, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, Bộ Môi trường Nhật Bản, Trung tâm Phát triển vùng Liên hợp quốc đồng tổ chức “Diễn đàn Liên Chính phủ về Giao thông vận tải bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 - EST12” (Diễn đàn EST12).
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng gặp gỡ các Trưởng đoàn đại biểu trước giờ khai mạc Diễn đàn.
Hơn 300 đại biểu, trong đó có 210 đại biểu quốc tế đến từ 25 quốc gia châu Á, gồm quan chức Chính phủ từ các nước thành viên EST, đại diện các đại sứ quán, các đại biểu từ các tổ chức quốc tế, khối tư nhân, các học giả nghiên cứu, chuyên gia của Liên hợp quốc cùng tham dự diễn đàn.
Nhằm hỗ trợ Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Diễn đàn EST là nơi diễn ra các cuộc đối thoại chính sách và bàn luận về chiến lược nhằm chia sẻ kinh nghiệm và phổ biến các thực tiễn tốt nhất, các công cụ chính sách, kỹ thuật liên quan đến giao thông bền vững giữa các quốc gia Châu Á.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, là một trong những quốc gia cam kết thực hiện và thông qua Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, Chính phủ Việt Nam đã tích cực tham gia vào tiến trình thực hiện phát triển bền vững thông qua xây dựng, thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững; xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đã tích cực xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu với những cam kết mạnh mẽ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Dự thảo Chiến lược giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam tiếp tục khẳng định phải tạo ra đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó trọng tâm là kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Những năm qua, kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nói chung, trong đó có hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn đã được ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư mạnh mẽ. Cùng với đó, Việt Nam cũng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; thúc đẩy ứng dụng năng lượng mới, phát triển giao thông thông minh.
“Với những nỗ lực này, bộ mặt giao thông, đô thị của Việt Nam đã có bước thay đổi mạnh mẽ, chất lượng ngày càng được cải thiện. Các báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cho thấy, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam đã có sự cải thiện đáng ghi nhận trong thập kỷ qua, tăng 36 bậc, giai đoạn 2010-2015”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được, phát triển giao thông vận tải, đặc biệt là giao thông đô thị của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, yêu cầu phải tập trung khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới. Đó là, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tuy đã được tập trung đầu tư nhưng còn thiếu đồng bộ. Việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải tại các đô thị lớn còn chậm so với nhu cầu phát triển; Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đô thị còn thấp.
Trong khi đó, số lượng phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện cá nhân liên tục tăng nhanh tại các đô thị. Giao thông công cộng phát triển còn chậm, chưa tương xứng. Từ đó gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, gia tăng ô nhiễm môi trường, làm giảm chất lượng đời sống của người dân.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Trong bối cảnh đó, EST 12 sẽ là diễn đàn quan trọng để các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà tài trợ trao đổi, thảo luận thúc đẩy hệ thống giao thông vận tải bền vững với môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu về phát triển bền vững.
Diễn đàn Liên Chính phủ về Giao thông vận tải bền vững môi trường khu vực châu Á lần thứ 12 - EST12 sẽ có 6 nội dung chính được bàn thảo gồm:
Thảo luận các chính sách về giao thông vận tải bền vững với môi trường; tích hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phát triển đô thị; phát triển dịch vụ vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông bền vững; ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến; các giải pháp về thể chế, cơ chế tài chính mới và mối quan hệ đối tác trong việc xây dựng các thành phố và cộng đồng an toàn, thông minh, thích ứng và phát triển bền vững.
Giảm ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị thông qua việc xác định và thảo luận các cơ hội và thách thức phát triển hệ thống giao thông vận tải phát thải các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải chất gây ô nhiễm như: phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; chuyển đổi sử dụng nhiên liệu sạch, năng lượng sạch cho xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy; nâng cao mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới; phát triển hạ tầng giao thông cho người đi xe đạp, người đi bộ tại các đô thị...
Nâng cấp các dịch vụ vận tải và kết cấu hạ tầng giao thông, tạo thêm các lựa chọn về an toàn giao thông đường bộ và an toàn giao thông đô thị; tối ưu hóa mạng lưới đường bộ và quản lý các điểm dừng đỗ tại đô thị; phát triển thành phố và cộng đồng theo hướng giao thông an toàn và thuận tiện.
Thảo luận cách thức để các quốc gia Châu Á có thể đóng góp vào Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là Mục tiêu phát triển bền vững 11 (SDGs 11) thông qua việc thực hiện các giải pháp công nghệ tiên tiến như Trí tuệ nhân tạo (AI), Mạng Internet vạn vật (IoT), Công nghệ thông tin truyền thông, Hệ thống giao thông thông minh (ITS), Hệ thống định vị toàn cầu (GPS), dữ liệu lớn (big data), các ứng dụng dịch tự động, các mạng lưới cảm biến và vận tải carbon thấp.
Điều phối thảo luận giữa Chính phủ, khối tư nhân và các đối tác tài trợ để khai thác các cơ hội đầu tư tiềm năng phát triển giao thông vận tải bền vững.
Rà soát, đánh giá tiến độ triển khai các chương trình, sáng kiến, đề xuất và thành tựu của các quốc gia, các bài học thực tiễn trong Tuyên bố Bangkok (2010-2020).
Thảo luận về chiến lược tiếp tục triển khai Tuyên bố Bangkok giai đoạn tiếp theo song hành với việc thay đổi diện mạo giao thông đô thị tại châu Á và phù hợp với Chương trình Phát triển bền vững/ Mục tiêu Phát triển bền vững 2030.
Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Nguyễn Văn Thể phát biểu tại Diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn với vai trò đồng chủ trì Diễn đàn EST12, Bộ trưởng Bộ GTVT Việt Nam Nguyễn Văn Thể mong muốn qua diễn đàn này nhiều kinh nghiệm tốt từ các nước, nhiều ý tưởng mới về giao thông thông minh, về công nghệ cacbon thấp trong GTVT sẽ được chia sẻ tạo điều kiện cho các nước tham gia, nghiên cứu, vận dụng hướng tới phát triển hệ thống GTVT bền vững. Tôi cũng mong rằng các chuyên gia, các tổ chức quốc tế tham gia diễn đàn sẽ là cầu nối quan trọng thúc đẩy hợp tác, chuyển giao công nghệ, huy động các nguồn lực tạo điều kiện cho các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam hướng tới thành phố thông minh và có khả năng thích ứng thông qua hệ thống giao thông thông minh và cacbon thấp.
Theo chương trình Diễn đàn EST 12 có 15 sự kiện chính và chương trình đi khảo sát kỹ thuật về thành phố thông minh tại tỉnh Quảng Ninh vào ngày 31/10/2019.