Chiều 28/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt. Ảnh: quochoi.vn
Liên quan đến đề nghị bổ sung các trường hợp cụ thể được cấp hộ chiếu ngoại giao và giới hạn trường hợp đi theo, đi cùng; mở rộng đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ đối với tất cả viên chức và hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân, viên chức trong quân đội, công an; quy định cụ thể điều kiện cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ.
Trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không mở rộng diện đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ so với quy định hiện hành và rà soát diện đối tượng hiện có để quy định bảo đảm tính công bằng, hợp lý, sát hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và có ổn định cao như quy định của dự thảo Luật đã chỉnh lý; giới hạn đối tượng đi theo, đi cùng được cấp hộ chiếu ngoại giao; quy định ngắn gọn, chặt chẽ hơn về đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ và bổ sung một điều quy định cụ thể điều kiện cấp hộ chiếu ngoại giao, công vụ.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, ông Võ Trọng Việt cho biết có một số ý kiến đề nghị bổ sung các hành vi như: cấp giấy tờ xuất nhập cảnh sai thẩm quyền, không đúng đối tượng; lợi dụng xuất cảnh, nhập cảnh để lây lan dịch bệnh cho con người, cây trồng, vật nuôi; sử dụng hộ chiếu không đúng quy định pháp luật; cho phép làm giả giấy tờ, cho phép xuất cảnh, nhập cảnh trái quy định của pháp luật; cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của luật này; thu phí và lệ phí trái với quy định của pháp luật. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, chỉnh lý các hành vi bị nghiêm cấm.
Về hành vi lợi dụng việc cấp giấy tờ xuất cảnh, nhập cảnh để trục lợi; lợi dụng lý do quốc phòng, an ninh để không cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, theo ông Võ Trọng Việt, trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể, nên người cấp giấy tờ xuất nhập cảnh không thể lợi dụng vấn đề này.
Liên quan đến vấn đề trên, ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, trong các hành vi bị cấm cần xem xét bỏ từ “cố ý” trong quy định “Cố ý cung cấp thông tin sai sự thật để được cấp, gia hạn, khôi phục hoặc báo mất giấy tờ xuất nhập cảnh”. Vì theo đại biểu trên thực tế khó có thể xem xét thế nào là cố ý? hay vô ý? và dễ trở thành kẽ hở. Cho nên nếu bỏ từ “cố ý” sẽ tránh được việc lợi dụng để làm sai. Bên cạnh đó, theo ĐB Thanh Hải, cần bổ sung chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm. “Vì trong dự thảo luật mới liệt kê các hành vi bị nghiêm cấm chứ chưa nêu hành thức xử lý ra sao nếu vi phạm khiến cho việc xử lý sau này gặp khó khăn”- ĐB Thanh Hải phân tích.
Theo ĐB Đinh Công Sỹ (Sơn La) nguyên tắc xuất cảnh nhập phải tuân thủ theo quy định của Hiến pháp và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên cần bổ sung thêm về các hành vi gây chậm trễ trong quá trình cấp phép xuất cảnh, nhập cảnh, hay từ chối giải quyết mà không có lý do. Ông Đinh Công Sỹ nhìn nhận, điều này có thể khiến quyền của công dân bị hạn chế, không được thực thi, và cán bộ có thể gây phiền hà tự đặt ra các khoản chi phí khác để sách nhiễu.
Về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị đã bổ sung tạm hoãn xuất cảnh đối với trường hợp: “Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”, “người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án”, “người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế” và “người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn”.
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), trong các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh có 3 trường hợp là: người đang chấp hành án phạt tù đang bị giam giữ; người được tha tù trước thời hạn, và người được hưởng án treo. Quy định như vậy là không chính xác. Lý giải cho nhận định trên ĐB Nguyễn Mai Bộ cho rằng, theo Luật Thi hành án hình sự cả 3 đối tượng trên đều không được xuất nhập cảnh. “Không được xuất nhập cảnh vậy làm sao lại bị tạm hoãn?”- ĐB Mai Bộ nêu vấn đề đồng thời cho rằng chỉ được xuất cảnh khi bản án hết hiệu lực.
Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng cho rằng cần xem xét quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh để phù hợp với các quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự.
Nhấn mạnh đến việc hiện nay Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, do đó ĐB Y Nhàn (Kon Tum) cho rằng, để phòng ngừa hành vi bỏ trốn sau khi bị thanh tra, kiểm tra thì cần có biện pháp yêu cầu cấm xuất cảnh khi sau thanh tra, kiểm tra phát hiện nghi vấn có sai phạm chứ không phải chỉ những hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng mới cấm xuất cảnh./.