Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) "dọa" loại Bỉ khỏi hai cúp châu lục khi giải vô địch quốc gia nước này đã chủ động kết thúc giải đấu sớm - điều đã "đi ngược" lại ý chí của UEFA và các giải châu Âu khác.
Việc Ban tổ chức giải vô địch Bỉ - Jupiler Pro League (JPL) kết thúc sớm mùa giải 2019 - 2020 và trao chức vô địch cho Club Brugge, đội đang dẫn đầu giai đoạn một có thể mở đường cho các giải vô địch khác tại châu Âu đưa ra quyết định tương tự.
Trong khi đó, Chủ tịch UEFA Ceferin vẫn muốn các giải kết thúc trọn vẹn nhằm giữ được tiền từ bản quyền truyền hình, hợp đồng thương mại, quảng cáo…
Nhiều quốc gia đang xem xét kéo dài lịch, thi đấu tập trung hoặc đóng cửa với khán giả để ngăn dịch. Đa số câu lạc bộ Ngoại hạng Anh mong muốn mùa giải trở lại vì nếu không, họ sẽ mất hơn 940 triệu USD doanh thu bản quyền truyền hình.
Trong cuộc họp mới đây với đại diện các câu lạc bộ, Ban tổ chức Ngoại hạng Anh thể hiện quyết tâm duy trì mùa giải bằng mọi giá thay vì tuyên bố hủy bỏ khi công bố thỏa thuận hoãn phần còn lại chờ cơ hội tái xuất.
Trong khi đó, La Liga, Serie A bị hoãn vô thời hạn vì Tây Ban Nha và Italia là hai quốc gia của châu Âu đang chịu ảnh hưởng lớn nhất vì dịch Covi-19.
UEFA cũng kỳ vọng hai cúp châu Âu là Champions League và Europa League có thể thi đấu tối đa đến tháng 8.
Chủ tịch Ceferin nhấn mạnh: "Bóng đá không còn như trước khi không có người hâm mộ. Nhưng giờ này, chơi bóng không có người hâm mộ chắc chắn là lựa chọn tốt hơn. Thà đưa bóng đá trở lại truyền hình còn hơn là không có gì. Có lẽ các giải sẽ kết thúc vào tháng 7, hoặc tháng 8. Chúng tôi không thể kéo dài sang tháng 9 hay tháng 10".
"Tôi không nghĩ đó là một động thái đúng đắn. Việc JPL làm có thể dẫn đến nguy cơ không được dự các cúp châu Âu mùa sau", Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin nói.
UEFA đã gửi thư cho 55 liên đoàn thành viên, thúc giục họ để các câu lạc bộ thi đấu trở lại khi Covid-19 bị đẩy lùi: "Điều quan trọng hơn cả là ngay cả một dịch bệnh nghiêm trọng như thế này cũng không thể ngăn cản các giải đấu của chúng ta được định đoạt trên sân. Quy định của các giải đấu và các danh hiệu thể thao đều phải được quyết định dựa trên kết quả thi đấu. Đây là điều chúng tôi phải bảo đảm cho đến khi khả năng cuối cùng còn tồn tại và các phương án hoạt động, quy chế cũng như kế hoạch còn có thể thực hiện".
Để các giải có thêm thời gian kết thúc mùa giải hiện tại, UEFA đã phải lùi Euro sang năm 2021. Quyết định này đã khiến UEFA lỗ khoảng 300 triệu euro.
UEFA cũng quyết định nới lỏng các quy định của Luật Công bằng tài chính (FFP). Các câu lạc bộ sẽ có thêm một tháng để giải quyết những khoản nợ còn tồn đọng khi hạn cuối là ngày 31-3 sẽ chuyển sang 30-4.
Điều đó có nghĩa là bất kỳ hỗ trợ bổ sung nào từ chủ sở hữu dành cho các câu lạc bộ trong những tháng tới sẽ được đánh giá nhẹ nhàng hơn bình thường.
Bóng đá cũng như các môn thể thao khác, phải điều chỉnh những hoạt động, thay đổi lịch trình. Trong nhiều trường hợp, họ cũng nỗ lực hỗ trợ cộng đồng chống lại dịch bệnh dù bản thân đang gặp khó khăn. Lần này, quy định mới của UEFA được đánh giá rất cao.
Chủ tịch Mike Garlick của câu lạc bộ Burnley cho biết, nếu Premier League không sớm trở lại, đội bóng sẽ rơi vào cảnh phá sản.
Trong trường hợp giải đấu bị hủy, đội bóng này có nguy cơ chịu khoản lỗ lên tới 50 triệu bảng, bao gồm tiền bản quyền truyền hình và bán vé trên sân nhà. Điều đó dẫn đến nguy cơ Burnley không thể chi trả tiền lương cho các cầu thủ và nhân viên đội bóng.
"Ban lãnh đạo đội bóng mong muốn mùa giải có thể trở lại. Hoàn thành những trận đấu còn lại là điều tất yếu với tất cả đội bóng. Đây là điều chưa từng thấy trong lịch sử. Đây không còn là chuyện của riêng Burnley hay bất cứ đội bóng nào. Đây là vấn đề của tất cả đội trong hệ thống bóng đá Anh và những công ty, doanh nghiệp đang hưởng lợi từ hệ thống này" - ông Mike Garlick phát biểu.