(HNMO) - Tính đến 18h30 ngày 4-4, toàn thế giới ghi nhận 1.133.373 ca nhiễm Covid-19 tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 60.375 trường hợp tử vong và 235.999 người đã hồi phục.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung trực tuyến với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva nhận định, đại dịch Covid-19 đã khiến kinh tế toàn cầu rơi vào đình trệ và đi vào đà suy thoái nghiêm trọng hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Quan chức IMF kêu gọi các nền kinh tế phát triển tăng cường nỗ lực trợ giúp các thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển ứng phó với những tác động tiêu cực đối với kinh tế và sức khỏe cộng đồng.
Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) David Malpass cũng nhắc lại đánh giá cho rằng sau những tác động về y tế, đại dịch Covid-19 sẽ gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu nghiêm trọng. WB và IMF cho rằng cần có sự giảm nợ và dừng thanh toán nợ để giúp các nước nghèo có thêm điều kiện chiến đấu chống đại dịch.
Trong cuộc họp báo về tình hình dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt qua con số 1 triệu người, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia tiếp tục thận trọng, tránh vội vã trong việc dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội bởi một số quốc gia được đánh giá là kiểm soát dịch tốt vẫn có nguy cơ tái bùng phát dịch.
Châu Mỹ
Ngày 3-4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kích hoạt Đạo luật sản xuất quốc phòng nhằm dừng hoạt động xuất khẩu khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế khác trong bối cảnh nước này đang ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới. Đây cũng là một biện pháp nhằm nỗ lực ngăn chặn tình trạng đầu cơ tích trữ và trục lợi.
Cùng ngày, ông chủ Nhà Trắng cũng thông báo cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới sẽ không bị trì hoãn do tác động của Covid-19, đồng thời bác bỏ ý kiến về việc các tiểu bang chuẩn bị tiến hành bỏ phiếu qua thư điện tử.
Châu Âu
Tại Pháp, số ca nhiễm Covid-19 đã vượt mức 82.000 người, đưa nước này vượt qua Trung Quốc cả về số ca dương tính và số ca tử vong do Covid-19.
Ngày 4-4, Anh thông báo có thể nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội tại nước này trong vài tuần tới nếu tình hình dịch Covid-19 có diễn biến tích cực và việc xét nghiệm được tiến hành trên quy mô lớn hơn giúp khoanh vùng các ca bệnh.
Giữa bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã kêu gọi công dân sinh sống ở nước ngoài không trở về trong dịp lễ Phục sinh năm nay.
Hôm nay, Nga ghi nhận thêm 582 trường hợp dương tính với Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 4.731 ca. Cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người của Nga cho biết, hơn 205.000 người thuộc diện nghi ngờ nhiễm vi rút đang được giám sát y tế ở nước này.
Châu Á
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới trong nước tại Trung Quốc đang dần được kiểm soát, sân bay Thiên Hà thuộc thành phố Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc, tâm điểm bùng phát dịch Covid-19 trong những tháng qua đã được khử trùng toàn diện để chuẩn bị cho việc nối lại các chuyến bay vận chuyển hành khách, dự kiến bắt đầu từ ngày 8-4 tới.
Số liệu của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình liên bang Ấn Độ cho thấy, các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đã được phát hiện tại 211 trên tổng số 720 quận, huyện trong cả nước. Nước này đã ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 86 ca tử vong. Một quan chức y tế Ấn Độ cho biết, việc các ca nhiễm tăng đột biến tại nước này có liên quan đến một sự kiện của các tín đồ Hồi giáo ở thủ đô New Delhi vào tháng 3. Người tham dự sự kiện có cả công dân Ấn Độ và người nước ngoài.
Tại Thái Lan, chính phủ nước này đã tuyển dụng thêm hơn 45.000 nhân viên mới từ khối tư nhân để góp phần tăng cường lực lượng trợ giúp Bộ Y tế ứng phó với dịch bệnh, gồm các bác sĩ, y tá, dược sĩ và nhân viên kỹ thuật y tế.
Châu Đại Dương
Chính phủ Australia đã quyết định đầu tư 220 triệu AUD (tương đương 132 triệu USD) để nâng cấp Trung tâm phòng, chống dịch bệnh của nước này, nhằm đáp ứng mục tiêu nghiên cứu vi rút SARS-CoV-2 và thúc đẩy các thử nghiệm vắc xin phòng bệnh. Trung tâm phòng chống dịch bệnh Australia đang triển khai các thử nghiệm lâm sàng trên động vật đối với một số mẫu vắc xin Covid-19 do các nhà khoa học nước này phát triển và dự kiến lô vắc xin này sẽ có mặt trên thị trường sau khoảng 18 tháng.