(HNMO) - Ngày 1-9, trang web của Liên hợp quốc đã thông tin, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông báo quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt ở Mali trong vòng một năm.
Thông báo nêu rõ, khi thông qua Nghị quyết 2541 (năm 2020), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã quyết định gia hạn các lệnh trừng phạt đến ngày 31-8-2021, với các biện pháp được nêu trong các đoạn từ 1 đến 7 của Nghị quyết 2374 (năm 2017), bao gồm áp đặt lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với các cá nhân gây trở ngại đến tiến trình thực thi Hiệp định hòa bình và hòa giải ở Mali.
Bằng các điều khoản của nghị quyết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tái khẳng định rằng các biện pháp này sẽ áp đặt đối với các cá nhân và thực thể theo chỉ định của Ủy ban trừng phạt được thành lập theo Nghị quyết 2374 (năm 2017).
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng quyết định gia hạn nhiệm vụ đến ngày 30-9-2021 đối với nhóm chuyên gia, cũng như yêu cầu đối với Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA), được nêu trong đoạn 16 của Nghị quyết 2374 (năm 2017), khuyến khích sự hỗ trợ của Phái bộ đối với nhóm chuyên gia.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng cho biết ý định xem xét nhiệm vụ của nhóm chuyên gia và có hành động thích hợp liên quan đến việc gia hạn thêm trước ngày 31-8-2021.
Là một quốc gia nằm sâu trong lục địa và không có biển, Mali nằm trong số 25 nước nghèo nhất thế giới với tổng sản phẩm nội địa (GDP) bình quân đầu người năm 2019 là 934 USD. Kinh tế nước này chủ yếu dựa vào xuất khẩu vàng, bông, gia súc và tiền viện trợ quốc tế. Tình hình Mali trở nên căng thẳng từ đầu tháng 7-2020 khi Phong trào đối lập tháng 5 (M5-RFP) tổ chức biểu tình diện rộng yêu cầu Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita phải từ chức, coi đây là điều kiện tiên quyết cho mọi cuộc thương lượng giải quyết các khác biệt chính trị trong tương lai.
Ngày 18-8, các binh sĩ Mali đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bamako, bắt giữ Tổng thống, Thủ tướng Boubou Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ. Chỉ vài giờ sau khi bị bắt, Tổng thống Keita buộc phải tuyên bố từ chức và giải tán Chính phủ, Quốc hội. Nhóm binh lính tự xưng là Ủy ban Quốc gia cứu quốc (CNSP) do đại tá Mali Assimi Goita chỉ huy tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên án vụ bắt giữ Tổng thống cũng như các quan chức cấp cao khác của Mali, đồng thời theo dõi sát sao tình hình biến động.