(HNM) - Trước cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, các quốc gia trên thế giới đã đồng loạt áp dụng các biện pháp quyết liệt như phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội… Động thái quyết liệt này đã dần phát huy tác dụng trong việc giảm số ca nhiễm mới, làm chậm lại tốc độ lây lan của dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các quốc gia cần tiếp tục duy trì các biện pháp giãn cách xã hội để kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh.
Theo nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London (Anh), tại châu Âu, tâm điểm của đại dịch Covid-19, việc phong tỏa và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội đã có tác dụng đáng kể trong việc giảm lây lan ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và giúp hàng chục nghìn người thoát chết vì Covid-19.
Tại Italia, đà suy giảm của dịch bệnh được thể hiện rõ rệt, khi các ca nhiễm mới và tử vong trong ngày có xu hướng giảm dần. Nước này đã thành công trong việc đưa tỷ lệ lây nhiễm từ 3 xuống 1, tức là trung bình 1 người nhiễm bệnh chỉ lây cho 1 người khác. Hiện mục tiêu của đất nước hình chiếc ủng là đưa tỷ lệ lây nhiễm xuống dưới 1. Giám đốc Cơ quan phòng vệ dân sự Italia Angelo Borrelli cho biết, nước này cần phải gia hạn thời gian phong tỏa (vốn dự tính sẽ kết thúc vào ngày 13-4) đến ngày 1-5. Tây Ban Nha hiện đã vượt qua Italia để trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Trong tuyên bố sẽ đề nghị Quốc hội cho phép gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tuần dựa trên lời khuyên của các nhà khoa học, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng cho biết, đây không phải là lần cuối cùng. Chính phủ nước này sẽ duy trì các lệnh phong tỏa chừng nào dịch bệnh chưa được khống chế. Ước tính, các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội đã giúp Italia và Tây Ban Nha cứu sống 38.000 người và 16.000 người ở mỗi nước.
Còn tại Áo, Bộ trưởng Y tế Rudolf Anschober cho biết, tốc độ lây nhiễm mỗi ngày của vi rút SARS-CoV-2 đã giảm đáng kể từ mức 40% vào thời điểm giữa tháng 3 xuống dưới 10% nhờ các biện pháp cứng rắn của Chính phủ. Áo là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa trường học, nhà hàng… ngay từ khi nhận thấy những diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại quốc gia láng giềng Italia và sự bùng phát các ca nhiễm mới ở những khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trong nước.
Tiếp tục gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 15-4 và có thể kéo dài hơn nữa dựa theo tình hình chung cũng là quyết định của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe. Trong khi đó, nguồn tin từ Chính phủ Anh cho biết với diễn biến căng thẳng của dịch bệnh, nước này khó lòng nới lỏng các biện pháp kiểm soát đi lại ít nhất tới cuối tháng 5.
Bên cạnh đó, ngay những quốc gia được cho là kiểm soát dịch bệnh hiệu quả như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng tiếp tục duy trì chặt chẽ các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết, nước này sẽ kéo dài chiến dịch giãn cách xã hội thêm 2 tuần để duy trì kết quả kiểm soát dịch bệnh hiện nay. Còn chính quyền thành phố Vũ Hán, Trung Quốc khẳng định sẽ tiếp tục quản lý việc đi lại của cư dân để ngăn dịch bùng phát trở lại khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ sau vài ngày nữa.
Theo BBC, một người mang vi rút có thể lây cho 2-3 người khác trong vòng 1 tuần nếu không thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Sau 30 ngày thì số người nhiễm bệnh có thể lên đến 406 người. Tuy nhiên, nếu người đó hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh thì sau 30 ngày, số người bị lây nhiễm sẽ chỉ là 15 người. Vì vậy, giãn cách xã hội là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19.
WHO cũng cảnh báo nếu các nước vội vã dỡ bỏ giãn cách xã hội, số trường hợp nhiễm mới có thể tăng trở lại và tác động kinh tế có thể còn nghiêm trọng và kéo dài hơn.