Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu trên toàn cầu mới được trên 40 tỉ USD, xuất khẩu sang EU mới khoảng trên 5 tỉ. Do đó, còn rất nhiều dư địa khi giảm thuế để chúng ta có thể đưa hàng sang EU. Đặc biệt, thu nhập trung bình của người dân ở EU thuộc mức thu nhập cao thì họ sẽ sẵn sàng trả cho những mặt hàng giá cao hơn và chất lượng, tiêu chuẩn cao hơn.
“Đây là một cơ hội rất tốt để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình không chỉ về số lượng mà quan trọng là về chất lượng để theo đúng định hướng tái cơ cấu nông nghiệp hướng tới một nền nông nghiệp mà giá trị cao hơn, chất lượng tốt hơn, bền vững về môi trường hơn và con người hơn”, ông Tuấn nói.
Cũng theo chuyên gia này, EU có lẽ là trường hợp đầu tiên khi giảm thuế cho cả hàng chế biến nông sản, điều đó mang lại rất nhiều lợi ích khi mà Việt Nam có cơ hội đưa hàng sang thị trường này.
Theo như ước lượng của một số nhóm nghiên cứu, khi Hiệp định được thực thi, nó thể giúp tăng trưởng xuất khẩu mỗi năm trên 1 tỉ USD vào thị trường EU và từ đó cũng giúp cho một phần nào tăng trưởng GDP trong nông nghiệp vào cỡ 0,4 – 0,5% /năm. Đặc biệt, với một loạt các yêu cầu khắt khe của thị trường châu Âu, nếu vượt qua được thì có nghĩa Việt Nam có thể đưa hàng sang các thị trường khác.
Ông Tuấn cũng chia sẻ, trong bối cảnh chúng ta vẫn còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa thành chuỗi liên kết nên rất khó để mà quản lý thì ngành nông nghiệp cần tận dụng tốt các cơ hội mà xử lý các thách thức; làm sao tổ chức được sản xuất, đổi mới mô hình sản xuất cho ngành nông nghiệp.
“Chúng tôi hướng tới đặt mục tiêu là phát triển kinh tế hợp tác xã, mục tiêu đến năm 2020 có 15.000 hợp tác xã và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư thành những chuỗi, ví dụ trong khoảng 3 – 4 năm vừa qua, số doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp đã tăng khoảng 3 lần (12.381 doanh nghiệp, và đã dựng lên khoảng 1.400 chuỗi sản phẩm an toàn)”, ông Tuấn nói.
Và một thách thức khác, ông Tuấn cho rằng là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tiêu biểu nhất là ngành chăn nuôi. Đối với các doanh nghiệp lớn, họ có đủ khả năng để cạnh tranh còn đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, hợp tác xã thì đây là một thách thức lớn. Chính vì vậy, thời gian tới ngành nông nghiệp tục tục củng cố phát triển hợp tác xã quy mô lớn hơn, hiệu quả tốt hơn.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho hay Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tất cả các bộ ngành chuẩn bị ngay chương trình hành động, để khi Hiệp định được Quốc hội phê chuẩn thực thi thì đã sẵn sàng cơ chế để đi vào cuộc sống ngay.
Đầu tiên, các cơ chế, chính sách được đồng bộ hóa, phù hợp cách chơi mới khi Việt Nam tham gia hiệp định. Việt Nam cần hài hòa quá trình cải cách thể chế, thủ tục hành chính hướng đến cách làm mà được quốc tế thừa nhận, một mặt cần nâng cao năng lực cạnh tranh, mặt khác tận dụng được cơ hội của hiệp định này.
Ông Thái cũng cho rằng cần xây dựng cơ chế cung cấp được thông tin để DN nắm được quy định của hiệp định, đặc biệt là so với cơ chế hiện hành như thế nào để chuyển đổi từ cơ chế này sang cơ chế kia cho phù hợp nhất.
Ví dụ như thủ tục xuất xứ hàng hóa, trước đây hệ thống EU áp dụng cho hàng của Việt Nam nếu như được hưởng cơ chế GSP thì khác so với được hưởng theo cơ chế Hiệp định thương mại tự do. Theo cơ chế mới, dù thuế đều bằng 0 nhưng cách áp quy tắc xuất xứ lại khác. Những thông tin như thế này cần truyền tải thế nào để DN nắm được.
Nhóm giải pháp nữa là Hiệp định thương mại tự do xây dựng cơ chế hai bên cùng hưởng lợi và quy định quy tắc xuất xứ rất chặt để tránh trường hợp hàng nước khác chuyển khẩu ở Việt Nam để hưởng những ưu đãi mà mình mất rất nhiều công phấn đấu mới đạt được.
“EU không muốn điều này và chúng ta càng không muốn. Do đó, cũng phải có những chế tài nghiêm khắc với những DN vi phạm, bởi EU coi nếu có vài DN vi phạm trong một ngành thì sẽ có những hạn chế với cả ngành đó, nếu trường hợp ấy xảy ra thì rất đáng tiếc, chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng để không xảy ra”, ông Thái nhấn mạnh.
Lam Thanh