Đây là một trong số những nội dung quan trọng của báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, chiều 21.10.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra. Nguồn: quochoi.vn.
Một số ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi ngân sách Nhà nước mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi đầu tư phát triển khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của ngân sách địa phương và 40% tăng thu của ngân sách Trung ương cho cải cách tiền lương.
Một số ý kiến đề nghị tăng phụ cấp công vụ, vì từ năm 2012 đến nay vẫn giữ nguyên là 25%; đề nghị dành một phần nguồn lực để tăng lương cho các đối tượng hưởng lương hưu trước năm 1993, vì mức thu nhập của các đối tượng này khá thấp so với mặt bằng chung của xã hội.
Như vậy, nếu mức tăng lương như trên được Quốc hội chấp thuận thì lương cơ sở 2020 sẽ cao hơn mức lương cơ sở hiện tại 110.000 đồng/tháng (hiện tại là 1.490.000 đồng/tháng).
Theo Báo cáo của Chính phủ, ước thực hiện chi ngân sách Nhà nước cả năm 2019 tăng 2,1% so với dự toán (thấp hơn năm 2018 là 2,6%). Ủy ban TCNS cho rằng, trong năm 2019, Chính phủ và các địa phương đã tích cực cơ cấu lại chi ngân sách, giảm dần chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, kiểm soát chặt chẽ bội chi, giảm nợ công và quyết liệt điều hành chi NSNN theo hướng tiết kiệm, chú trọng hiệu quả. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Đức Hải cũng chỉ rõ, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên, chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để…/.