Chỉ số sản xuất công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đạt mức tăng trưởng khá. (Ảnh minh họa: Ái Vân)
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tuy sản xuất công nghiệp của thành phố vẫn giữ được đà tăng trưởng, nhưng tốc độ tăng trưởng không cao bằng mức tăng của cùng kỳ năm 2018.
Các ngành công nghiệp chủ yếu có chỉ số sản xuất lũy kế 9 tháng tăng cao hơn chỉ số chung toàn ngành công nghiệp như: Sản xuất thiết bị điện tử tăng 22,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 16,1%; sản xuất đồ uống tăng 7,3%.
Đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất tăng 6,1% so cùng kỳ năm 2018; ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tăng 0,7%; ngành hóa dược tăng 1,0%; ngành điện tử tăng 22,5%; ngành cơ khí tăng 8,6%.
Theo đánh giá của các Hội ngành hàng, bên cạnh xuất khẩu nông sản sụt giảm, việc tỷ giá hối đoái VND/USD ổn định trong khi đồng Nhân dân tệ giảm so với USD, làm sản phẩm Việt Nam mất ưu thế trong cạnh tranh xuất khẩu. Đồng thời sản xuất trong nước phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Không chỉ vậy, dịch tả heo châu Phi đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng, làm giảm mức tiêu thụ đối với thịt heo và các mặt hàng chế biến từ thịt heo, dẫn đến chỉ số tồn kho có dấu hiệu tăng. Tình hình này đã ảnh hưởng chung đến hoạt động sản xuất, nên chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng không như kỳ vọng.
Vì vậy, để tăng tốc cuối năm, TP. Hồ Chí Minh đang chuẩn bị hàng phục vụ Tết Canh Tý 2020. Hiện nay, ngoài chỉ tập trung xuất khẩu như trước đây, thì các doanh nghiệp đầu tư phát triển thị phần trong nước, với các sản phẩm có thể cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã so với hàng nhập khẩu từ các nước trong khu vực. Bởi vì, thị trường tiêu thụ ngành chế biến lương thực, thực phẩm chủ yếu là thị trường trong nước (chiếm khoảng 54%)./.