Giá thành sản xuất còn cao
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến tháng 8/2019, diện tích thả nuôi tôm nước lợ nước ta đạt 689.516 ha, sản lượng thu hoạch 444.404 tấn (tăng 15% so với cùng kỳ 2018). Trong đó, sản lượng tôm sú 161.576 tấn; sản lượng tôm chân trắng 282.828 tấn.
Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra của năm 2019 với khoảng 864 nghìn tấn về sản lượng, 8 tháng năm 2019 mới chỉ đạt 51,3%. Bên cạnh đó, 8 tháng năm 2019, xuất khẩu tôm đạt 1,93 tỷ USD, trong khi mục tiêu đề ra cả năm đạt 4,09 tỷ USD, con số này mới chỉ đạt 45%. Điều này đồng nghĩa 4 tháng còn lại sẽ gánh “khá nặng” với khoảng 420 nghìn tấn về sản lượng và 2,17 tỷ USD về giá trị xuất khẩu.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do năm 2019 là năm khó khăn đối với ngành thủy sản nói chung và tôm nước lợ nói riêng. Thời tiết nắng nóng, mưa bất thường, hạn gây ảnh hưởng đến sản xuất tôm nước lợ. Đồng thời, tình hình thế giới xuất hiện nhiều biến động, xung đột thương mại gia tăng; các nước nhập khẩu tăng rào cản kỹ thuật đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản.
Cụ thể, một số nước như: Ấn Độ, Ecuador,… tiếp tục được mùa tôm, giá thành sản xuất thấp, nguồn cung dồi dào. Những tác động này đã ảnh hưởng ít nhiều đến giá tôm trong nước.
Trong khi đó, giá thành sản xuất tôm nước ta vẫn cao hơn so với các nước khác. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng 65-70% giá thành nuôi tôm công nghiệp, đồng thời nguồn thức ăn qua nhiều khâu trung gian, nên tăng 20-30% so với giá gốc). Một số doanh nghiệp nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ có giá rẻ hơn dẫn đến tôm nguyên liệu trong nước bị cạnh tranh, dư cung.
Rào cản kỹ thuật và cạnh tranh thương mại trên thị trường thế giới ngày càng khốc liệt gây khó khăn cho xuất khẩu thủy sản. Trong đó, Trung Quốc siết chặt quản lý nhập khẩu biên mậu; tăng cường kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong khi nhiều doanh nghiệp nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ đang làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của sản phẩm tôm Việt Nam.
Ngành nuôi tôm nước lợ nỗ lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu trong những tháng cuối năm 2019. (Ảnh: BT) Cơ hội xuất khẩu cho ngành tôm
Mặc dù mục tiêu đặt ra cho những tháng cuối năm 2019 khá cao, tuy nhiên, theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, ngành tôm vẫn còn nhiều cơ hội để tận dụng từ thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, Ấn Độ đã hết vụ sản xuất tôm chính nên giá tôm đang có xu hướng tăng trở lại. Bên cạnh đó, EU sẽ tăng mua thủy sản trong 4 tháng cuối năm 2019 do tại Hội chợ Brúc-xen (Bỉ) tháng 5/2019, các doanh nghiệp chờ giá tôm hạ nên chưa ký hợp đồng trong khi tôm nguyên liệu tồn kho đã hết hàng.
Đặc biệt, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với biện pháp chống bán phá giá với tôm Việt Nam. Theo đó, 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0%. Các chuyên gia cho rằng mức thuế 0% này không chỉ có tác động ngắn hạn mà còn mở ra khả năng bứt phá xuất khẩu cho 31 doanh nghiệp trên xuất đi Mỹ, kỳ vọng các đơn hàng sẽ nhiều hơn trong thời gian tới.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang ấm dần lên do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện nay, tình hình xuất khẩu tôm Việt Nam bắt đầu chuyển biến tích cực.
Các thị trường khác như: Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tăng trưởng khá tốt. Đồng thời, tác động của các Hiệp định thương mại tự do sẽ tạo nền tảng để các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.
Thị trường những tháng cuối năm 2019 dự kiến nhiều thuận lợi, vì vậy, theo Tổng cục Thủy sản, cần tập trung thúc đẩy sản xuất ngành tôm theo hướng giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng để tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất.
Nắm bắt được tiềm năng của thị trường là yếu tố quan trọng, dù vậy, những tháng cuối năm 2019, thời tiết diễn biến phức tạp, thất thường, cực đoan sẽ là một trong những nguyên nhân dễ gây ra dịch bệnh cho tôm nuôi. Do vậy, Tổng cục Thủy sản đề nghị người nuôi cần cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu, chủ động các giải pháp ứng phó phù hợp để nuôi tôm đạt hiệu quả./.