Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, tổng lượng phụ phẩm ngành nông nghiệp vào khoảng 150 triệu tấn mỗi năm, riêng ngành trồng trọt chiếm khoảng 94 triệu tấn. Phụ phẩm chủ yếu đến từ các nhóm cây lương thực chính, cây công nghiệp và rau màu.
Trong đó, rơm rạ chiếm 47% trong lĩnh vực trồng trọt và khoảng 30% phụ phẩm đã được tái sử dụng cho các mục đích như làm phân bón hữu cơ, nuôi trồng thủy sản, sản xuất năng lượng sinh khối hoặc nguyên liệu công nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn đến 70% bị bỏ, đốt ngoài đồng hoặc thải ra môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí.
Để khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp đã tích cực đưa các giải pháp vào chiến lược hành động. Một trong những mục tiêu trọng tâm là tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp các mục đích có giá trị gia tăng như sản xuất vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo, phân bón sinh học... Đồng thời, khuyến khích ứng dụng công nghệ tiên tiến như chế biến sinh học tại chỗ, sản xuất enzyme để đẩy nhanh quá trình phân hủy phụ phẩm.
Theo lãnh đạo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, nhiều chính sách hỗ trợ cũng đã được xây dựng như hỗ trợ nông dân mua sắm máy móc thiết bị thu gom, khuyến khích doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ xử lý phụ phẩm cây trồng, và đặc biệt là đẩy mạnh xây dựng hệ thống giám sát, quy trình kỹ thuật xử lý chất thải rõ ràng.
Phụ phẩm nông nghiệp cần được tái sử dụng, hạn chế tình trạng đốt gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với phụ phẩm như rơm rạ, hằng năm ngành nông nghiệp phát sinh khoảng 944 tấn bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tuy nhiên tỉ lệ thu gom chỉ đạt khoảng 62,3%. Phần còn lại bị đốt hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường, tạo ra nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng. Trước thực trạng này, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đề xuất thiết lập cơ chế tài chính thông qua một quỹ về bảo vệ môi trường.
Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp sẽ đóng góp để hỗ trợ công tác thu gom và tiêu hủy bao bì đúng quy chuẩn. Bên cạnh đó, cần xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đối với bao bì nông nghiệp, ưu tiên loại bao có thể tái chế hoặc dễ phân hủy sinh học. Ngành cũng kiến nghị phát triển mạng lưới thu gom rộng khắp, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận và tham gia.
Hiện nay, Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT, quy định về việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng đã được ban hành, tuy nhiên khi các đơn vị chức năng sáp nhập, việc triển khai còn thiếu rõ ràng và chưa xác định rõ trách nhiệm giữa các bên liên quan. Do đó, trong kế hoạch quốc gia, cần nhấn mạnh lại vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong việc tổ chức thu gom và xử lý chất thải nông nghiệp.
Ngoài ra, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương và chính quyền địa phương nhằm tăng cường hiệu quả xử lý vi phạm về chất thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nhất là tại các khu vực nông thôn, thị trường tự do.
Về mặt chính sách, cần bổ sung một số nội dung vào mục tiêu và nhóm giải pháp của kế hoạch quốc gia, cụ thể là: Đưa vào kế hoạch quản lý và giám sát chất thải nông nghiệp, chấm dứt hiện tượng đốt rơm rạ, phụ phẩm ngoài trời; Thiết lập hệ thống kiểm soát, giám sát nguồn thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và chất thải sau thu hoạch; Có cơ sở dữ liệu và quy trình kiểm tra rõ ràng để triển khai đồng bộ trong thời gian tới.../.
Thanh Thúy