(HNM) - Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) là một đánh giá khách quan của quốc tế về từng lĩnh vực quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại các quốc gia. Trong bộ chỉ số GII năm 2020, Việt Nam tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập đổi mới sáng tạo như là một ưu tiên hàng đầu.
Những cải thiện nổi bật trong 3 lĩnh vực
Trong bảng xếp hạng Chỉ số GII năm 2020 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới của Liên hợp quốc (WIPO) vừa công bố, Việt Nam tiếp tục xếp thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế (năm 2019, đứng thứ 42/129). Với thứ hạng này, Việt Nam giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia cùng mức thu nhập.
Theo các chuyên gia của WIPO, trong bối cảnh các nền kinh tế khác luôn nỗ lực cải thiện kết quả đổi mới sáng tạo và tình hình thế giới có những biến động khó lường như thời gian qua, Việt Nam vượt qua thách thức, duy trì thành công thứ hạng trong bộ chỉ số GII, tiệm cận nhóm 40 quốc gia và nền kinh tế dẫn đầu là một nỗ lực rất lớn.
Tổng Giám đốc WIPO Francis Gurry cũng đánh giá, Việt Nam đã đạt được tiến bộ ấn tượng khi năm thứ hai liên tiếp xếp hạng 42. “Đất nước của các bạn giữ kỷ lục cùng với ba quốc gia đang phát triển khác là Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines khi được đề xuất là một quốc gia vượt trội về đổi mới sáng tạo trong 10 năm liên tiếp. Đây là một nhóm các nền kinh tế tuyển chọn có kết quả đổi mới sáng tạo vượt trên tầm mức phát triển của mình. Việt Nam nằm trong số các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp có được đầu ra từ đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn so với đầu vào. Vì vậy, xét về tính hiệu quả, khía cạnh kinh tế về hiệu suất của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang vận hành là cực kỳ tốt”, Tổng Giám đốc Tổ chức WIPO Francis Gurry nhấn mạnh.
Theo đánh giá của WIPO, năm 2020 hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam có những cải thiện nổi bật trong 3 lĩnh vực. Cụ thể, cải thiện về trình độ phát triển của kinh doanh; cải thiện về cơ sở hạ tầng chung và cải thiện về đầu ra đổi mới sáng tạo.
Báo cáo của WIPO cho thấy, các nước xếp trên Việt Nam trong GII 2020 đều là các quốc gia và nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong nhóm 29 quốc gia có thu nhập trung bình thấp được xếp hạng năm 2020, Việt Nam tiếp tục đứng đầu (năm 2019 nhóm này có 26 quốc gia và nền kinh tế, Việt Nam cũng đứng đầu). Trong 10 nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam duy trì vị trí thứ 3, sau Singapore và Malaysia.
Khẳng định hiệu quả đầu tư
Có nhiều yếu tố quan trọng tạo nên kết quả nói trên. Trong đó, phải kể đến việc từ năm 2017 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã sử dụng Chỉ số GII như một công cụ quản lý điều hành quan trọng, đồng thời đã phân công các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm cải thiện chỉ số này, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung.
Các chuyên gia WIPO cũng giúp Việt Nam nhìn thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình để tập trung giải quyết, thúc đẩy chỉ số đổi mới sáng tạo. WIPO còn hỗ trợ trong việc xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ của Việt Nam giai đoạn 10 năm tới, hình thành mạng lưới IP Hub thúc đẩy sáng chế của Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, trong xếp hạng Chỉ số GII năm nay, nhóm chỉ số đầu vào tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo tiếp tục tăng là minh chứng cho việc Việt Nam tiếp tục duy trì sự đầu tư của Nhà nước, cũng như các doanh nghiệp cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi như thể chế, trình độ kinh doanh, tín dụng tiếp tục ở mức cao. Nhờ sự hiệu quả của quá trình đầu tư các khâu đầu vào, các chỉ số đầu ra đã tiếp tục được duy trì đà tăng trưởng.
“Việc Việt Nam giữ được vị trí thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế về Chỉ số GII là nỗ lực của toàn hệ thống trong việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ. Điểm rõ nhất có thể thấy trong thời gian qua, hàng loạt dự án, viện nghiên cứu của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân, trung tâm đổi mới sáng tạo được hình thành. Sự thay đổi này được tích hợp và được đánh giá khách quan thông qua Chỉ số GII từ năm 2017 đến nay của Việt Nam tăng liên tục, từ vị trí 71 năm 2014, vị trí 59 năm 2016 lên vị trí 42 trong các năm 2019 và 2020. Trong bối cảnh khó khăn của năm 2020, khi cả thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên như một hình mẫu về chống dịch, tích lũy kết quả nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong nhiều năm và đưa ra giải pháp về khoa học, công nghệ để chống lại đại dịch”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia WIPO, để tiếp tục cải thiện thứ hạng trong Chỉ số GII một cách bền vững, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng các yếu tố đầu vào của đổi mới sáng tạo. Trong đó, đặc biệt lưu ý cải thiện các nhóm chỉ số về hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện môi trường kinh doanh, chất lượng các quy định pháp luật, nâng cao chất lượng lực lượng lao động...
“Đổi mới sáng tạo là động lực chính của tăng trưởng và phát triển kinh tế. Mục tiêu của bộ chỉ số GII là cung cấp dữ liệu với thông tin chi tiết về đổi mới sáng tạo, năng lực để đổi mới sáng tạo và kết quả đổi mới sáng tạo cũng như cho phép các nhà hoạch định chính sách đánh giá hiện trạng đổi mới sáng tạo của họ, kết quả đổi mới sáng tạo của các quốc gia và đưa ra các quyết định sáng suốt về chính sách đổi mới sáng tạo”.
(Francis Gurry, Tổng Giám đốc WIPO)