Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ về công nghệ số. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghệ thông tin (CNTT) trong khối ASEAN.
Trong những năm gần đây, từ chỗ không có tên trên bản đồ CNTT thế giới, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ để vươn lên vị trí thứ 8 về dịch vụ CNTT tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là 1 trong 3 nước dẫn đầu ASEAN về quy mô nền kinh tế số. Với vị thế đó, Việt Nam cũng tích cực giúp đỡ các nước trong khu vực phát triển CNTT.
Hỗ trợ các nước ASEAN giám sát an toàn, an ninh không gian mạng
Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp cùng các doanh nghiệp Việt Nam như: Viettel, VNPT, BKAV hỗ trợ các nước ASEAN gồm: Lào, Campuchia, Myanmar trong việc xây dựng và đưa vào vận hành các trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng.
Hệ thống tổng thể sẽ bao gồm các giải pháp phần mềm giám sát, phân tích, cảnh báo, giúp nhanh chóng xử lý hiệu quả các sự cố mất an toàn, an ninh mạng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn hỗ trợ hoạt động xây dựng quy trình, đào tạo nhân lực cho phía bạn.
Theo Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Huy Dũng, Việt Nam sẽ phải thể hiện vai trò, trách nhiệm nhiều hơn về các vấn đề này trên bình diện quốc tế bằng việc tích cực tham gia định hướng, dẫn dắt một số nhiệm vụ quan trọng tại các quốc gia trong khu vực.
Góp phần thúc đẩy Cách mạng công nghiệp 4.0 trong khối ASEAN
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam chủ động mở rộng thị phần, tạo ra sự thay đổi tích cực trong lĩnh vực CNTT và truyền thông tại các nước trong khu vực.
Viettel là đơn vị tiên phong trong đầu tư phát triển hạ tầng CNTT - viễn thông tại Lào, Campuchia, Myanmar và một số quốc gia khác với chi phí thấp, góp phần phổ cập dịch vụ viễn thông - internet đến mọi người dân, kể cả những vùng xa xôi và khó khăn. Việc phủ sóng 4G được coi như bước ngoặt giúp các nước triển khai hàng loạt dự án 4.0 trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Năm 2017, Metfone của Viettel đã giúp Campuchia phát triển dự án Chính phủ điện tử. Cũng năm 2017, tại Lào, mạng di động Unitel do Viettel đầu tư đã cùng các cơ quan chính phủ nước này triển khai 6 dự án xã hội thông minh, tiên phong thực hiện các giải pháp tài chính - ngân hàng 4.0, thương mại điện tử, các kho nội dung số về y tế, giáo dục... với mong muốn mang lại cuộc sống văn minh, hiện đại cho người dân.
Hiện tại, Viettel đang triển khai thí điểm thành công dịch vụ 5G tại cả 3 quốc gia nói trên, tiến thêm một bước xa hơn nữa trong việc phát triển hạ tầng viễn thông nói riêng và CNTT nói chung tại các nước này.
Hỗ trợ đào tạo nhân lực nguồn về CNTT cho các nước trong khu vực
Ngoài việc giúp đỡ các nước trong khu vực về cơ sở hạ tầng, dịch vụ công nghệ, viễn thông, Việt Nam còn tích cực hỗ trợ các quốc gia phát triển nhân lực ngành CNTT.
Mới nhất, Việt Nam vừa hoàn thành khóa Đào tạo nhân lực cán bộ nguồn về CNTT cho các thành viên Ban Thư ký Quốc hội Campuchia theo thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa Tổng Thư ký Quốc hội hai nước.
Khó khăn lớn nhất của dự án là trong thời gian ngắn, phải giúp những cán bộ nước bạn, từ chưa có kiến thức CNTT đến có đủ năng lực làm việc lập trình thực tế. Để giải quyết vấn đề trên, Văn phòng Quốc hội đã mời các chuyên gia của Aptech trực tiếp xây dựng và đào tạo khóa học này. Khóa học cũng chú trọng trang bị các công nghệ lập trình di động mới nhất, kết hợp làm các dự án phần mềm thực tiễn.
Cùng với đó, cán bộ nước bạn được tiếp cận với những phương pháp đào tạo CNTT tiên tiến của Aptech đang được triển khai trên thế giới.
Kết quả, các học viên hoàn thành dự án phần mềm tốt nghiệp, được các chuyên gia của Aptech đánh giá cao. Ông Chu Tuấn Anh, Giám đốc Aptech chia sẻ: “Ngoài cung cấp những kiến thức về lập trình, học viên được trang bị năng lực đón đầu công nghệ để sau này có khả năng tự cập nhật nhanh và bắt kịp xu hướng CNTT mới. Đây là cơ sở để phát triển đội ngũ nhân lực CNTT chất lượng cao cho Chính phủ Campuchia”.
Với những nỗ lực hỗ trợ, hợp tác được các nước đánh giá cao trên, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò là quốc gia có nền tảng về CNTT vững mạnh trong khu vực, hơn nữa thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác cùng phát triển với các quốc gia bạn bè trong thời đại công nghệ mới.