(HNM) - Các trường đại học, viện nghiên cứu là nơi tập trung các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Nhưng hiện vẫn không nhiều kết quả nghiên cứu của các cơ sở này đến được với doanh nghiệp, trở thành hàng hóa. Để tương xứng với tiềm năng, ngoài việc tăng cường hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp, rất cần có chính sách khuyến khích công tác nghiên cứu và hỗ trợ triển khai kết quả nghiên cứu khoa học vào đời sống sản xuất, kinh doanh.
Những kết nối hiệu quả
Là trường đi đầu trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sáng chế, thời gian qua, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với nhiều tập đoàn, công ty lớn trong nước cũng như thế giới, như: Tập đoàn SUN MicroSystems, Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông… Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: "Trường đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để đưa những kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ trở thành những sản phẩm hàng hóa, nhất là những sản phẩm công nghệ lõi".
Tương tự, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng là cơ sở thực hiện tốt việc chuyển giao công nghệ đến doanh nghiệp. Theo Tiến sĩ Hà Quý Quỳnh, Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, năm 2018 có 74 công nghệ của 12 đơn vị trực thuộc của Viện sẵn sàng chuyển giao vào sản xuất và đời sống. Ðến nay, các đơn vị đã chuyển giao thành công 11 công nghệ cho doanh nghiệp đưa vào sản xuất, kinh doanh. "Thời gian qua, nhiều công ty sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm đã sử dụng nano bạc của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để sản xuất các loại sản phẩm cung cấp cho thị trường", Tiến sĩ Hà Quý Quỳnh cho biết.
Về phía doanh nghiệp, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thụy, Phó Giám đốc Xí nghiệp 197, Tổng công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp Quốc phòng (quận Nam Từ Liêm) cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty đã chủ động phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để sản xuất khẩu trang nano bạc 3 lớp Dr Fresh. “Chúng tôi đã hợp tác để cùng nhau đưa ra những giải pháp tối ưu, nhằm giảm chi phí sản xuất, giảm giá bán sản phẩm trên thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thụy nói.
Là doanh nghiệp chuyên ứng dụng vật liệu mới vào các lĩnh vực của đời sống, Thạc sĩ Nguyễn Thị Liên Phương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ và dịch vụ thương mại Lạc Trung (quận Hai Bà Trưng) cho biết, công ty đã phối hợp với Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) xây dựng quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất các loại túi đựng rác tự hủy từ nhựa phế thải, quy mô 30kg/giờ; sản xuất hạt Polyme siêu hấp thụ nước SAMS-1 có tác dụng giữ nước và các chất dinh dưỡng trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây; nghiên cứu chế tạo và ứng dụng màng bao gói khí quyển biến đổi (MAP) để bảo quản rau quả sau thu hoạch...
"Sự hợp tác này đã hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm bao bì tự hủy sinh học của công ty được các hệ thống siêu thị lớn đặt hàng", Thạc sĩ Nguyễn Thị Liên Phương thông tin.
Cần hành lang pháp lý và mối quan hệ tốt hơn
Mặc dù, sự phối hợp cũng như những hoạt động chuyển giao khoa học giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến, song khâu thương mại hóa vẫn còn yếu, chưa đồng bộ và còn nhiều hạn chế. Theo kết quả nghiên cứu của tác giả Đặng Thị Tố Tâm, Học viện Chính trị khu vực I (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), trong giai đoạn 2016-2019, chỉ có khoảng 5-10% số đề tài nghiên cứu khoa học của các trường đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam được ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh; khoảng 10% số đề tài có tiềm năng nhưng chưa được áp dụng vào thực tiễn.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng trên, Tiến sĩ Hà Quý Quỳnh cho rằng, một phần là do các nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu thương mại hóa, nhà khoa học chưa chủ động và tích cực trong việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu; một phần do môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và nhà sáng chế còn nhiều hạn chế… Chung quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tân, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện ở nước ta, các nhà khoa học phải tự mày mò, tìm cách quảng bá, tiếp xúc, mong có cơ hội ứng dụng, vì chưa có cơ chế cũng như tổ chức nào đứng ra làm công việc này.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho rằng, để khoa học thực sự trở thành động lực và là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, cần phải tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ, không chỉ từ Nhà nước mà còn từ xã hội, nhất là từ doanh nghiệp. Đồng thời, phải tăng cường liên kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, nơi biến các kết quả nghiên cứu từ trường, viện thành hàng hóa.
“Để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu đến với các doanh nghiệp, phải phát triển đồng đều các yếu tố của thị trường khoa học và công nghệ, hoàn thiện hành lang pháp lý cho các bên tham gia vào thị trường này. Bổ sung và tăng cường hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến thị trường khoa học, công nghệ để các doanh nghiệp, nhà khoa học có thể tiếp cận, tra cứu thông tin của nhau…”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.