Thông tin (information) là khái niệm cơ bản của khoa học cũng là khái niệm trung tâm của xã hội trong thời đại chúng ta. Mọi quan hệ, mọi hoạt động của con người đều dựa trên một hình thức giao lưu thông tin nào đó. Mọi tri thức đều bắt nguồn bằng một thông tin về những điều đã diễn ra, về những cái người ta đã biết, đã nói, đã làm.
Điều đó luôn xác định bản chất và chất lượng của những mối quan hệ của con người. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, ngày nay thông tin trở thành nguồn tài nguyên đặc biệt và nguồn lực phát triển của mỗi quốc gia, là công cụ điều hành sản xuất và quản lý xã hội, là cơ sở của các hoạt động chuyển giao tri thức, và trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học.
Định nghĩa về thông tin
Thông tin là tất cả các sự việc, sự kiện, ý tưởng, phán đoán làm tăng thêm sự hiểu biết của con người. Thông tin hình thành trong quá trình giao tiếp: một người có thể nhận thông tin trực tiếp từ người khác thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ các ngân hàng dữ liệu hoặc từ tất cả các hiện tựơng quan sát được trong môi trường xung quanh.
Có rất nhiều cách hiểu về thông tin. Thậm chí ngay các từ điển cũng không thể có một định nghĩa thống nhất. Ví dụ: Từ điển Oxford English Dictionary thì cho rằng thông tin là "điều mà người ta đánh giá hoặc nói đến; là tri thức, tin tức"; Từ điển khác thì đơn giản đồng nhất thông tin với kiến thức: "thông tin là điều mà người ta biết" hoặc "thông tin là sự chuyển giao tri thức làm tăng thêm sự hiểu biết của con người"...
Nguyên nhân của sự khác nhau trong việc sử dụng thuật ngữ này chính là do thông tin không thể sờ mó được. Người ta bắt gặp thông tin chỉ trong quá trình hoạt động, thông qua tác động trừu tượng của nó.
Theo quan điểm triết học, thông tin là sự phản ánh của tự nhiên và xã hội (thế giới vật chất) bằng ngôn từ, ký hiệu, hình ảnh v.v...hay nói rộng hơn bằng tất cả các phương tiện tác động lên giác quan của con người.
Từ La tinh “informatio”, gốc của từ hiện đại “information” có hai nghĩa. Một, nó chỉ một hành động rất cụ thể là tạo ra một hình dạng (forme). Hai, tùy theo tình huống, nó có nghĩa là sự truyền đạt một ý tưởng, một khái niệm hay một biểu tượng. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của xã hội, khái niệm thông tin cũng phát triển theo.
Ta cũng biết rằng, mọi đối tượng vật chất đều có thuộc tính cơ bản là có khả năng tự phản ánh, và con người nhận biết được nội dung của sử phản ánh đó qua giác quan. Do đó, theo quan điểm triết học, thông tin là sự phản ánh của tự nhiên và xã hội (thế giới vật chất) bằng ngôn từ, ký hiệu, hình ảnh... hay nói rộng hơn bằng tất cả các phương tiện tác động lên giác quan của con người.
Sự vật luôn vận động, ở trạng thái bất định và chứa đựng tính ngẫu nhiên. Tăng lượng tin tức về một hiện tượng nào đó cũng là giảm độ chưa biết hoặc độ bất định của nó. Vì vậy theo quan điểm của lý thuyết thông tin thì thông tin là sự loại trừ tính bất định của hiện tượng ngẫu nhiên.
Vì sao cần nghiên cứu về thông tin học?
Tính trật tự đối lập với cái bất định và ngẫu nhiên là thuộc tính cơ bản của thông tin mà khoa học phát hiện. Theo đó thông tin phản ánh cái xác định, trật tự trong các mối quan hệ của các sự vật và hiện tượng. Với ý nghĩa đó thông tin là lượng đo trật tự nhân tạo chống lại sự hỗn độn của tự nhiên. Chính điều đó giải thích ý nghĩa to lớn của thông tin trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người.
Con người ngày càng gắn chặt với thông tin trong đời sống hằng ngày
Trong hoạt động của con người, thông tin được thể hiện qua nhiều hình thức đa dạng và phong phú như: con số, chữ viết, âm thanh, hình ảnh... Thuật ngữ thông tin dùng ở đây không loại trừ các thông tin được truyền bằng ngôn ngữ tự nhiên. Thông tin cũng có thể được ghi và truyền thông qua nghệ thuật, bằng nét mặt và động tác, cử chỉ. Hơn nữa con người còn được cung cấp thông tin dưới dạng mã di truyền. Những hiện tượng này của thông tin thấm vào thế giới vật chất và tinh thần của con người, cùng với sự đa dạng phong phú của nó đã khiến khó có thể đưa ra một định nghĩa thống nhất về thông tin.
Tuy nhiên dù thông tin ở dạng nào, bao giờ thông tin cũng có hướng tới đáp ứng yêu cầu về tri thức và nâng cao sự hiểu biết của con người. Vì vậy, theo nghĩa thông thường, có thể coi thông tin là tất cả các sự việc, sự kiện, ý tưởng, phán đoán làm tăng thêm sự hiểu biết của con người. Thông tin hình thành trong quá trình giao tiếp: một người có thể nhận thông tin trực tiếp từ người khác thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, từ các ngân hàng dữ liệu hoặc từ tất cả các hiện tượng quan sát được trong môi trường xung quanh.
Trong đời sống con người, thông tin là một nhu cầu rất cơ bản. Nhu cầu đó không ngừng tăng lên cùng với sự gia tăng các mối quan hệ trong xã hội. Mỗi người sử dụng thông tin lại tạo ra thông tin mới. Các thông tin đó lại được truyền cho người khác trong quá trình thảo luận, truyền đạt mệnh lệnh, trong thư từ và tài liệu hoặc qua các phương tiện truyềnthông khác. Thông tin được tổ chức tuân theo một số quan hệ logic nhất định, trở thành một bộ phận của tri thức, đòi hỏi phải được khai thác và nghiên cứu một cách hệ thống.
Nguồn 1thegioi.vn
Link bài gốchttps://1thegioi.vn/vai-tro-cua-thong-tin-hoc-trong-doi-song-con-nguoi-218249.html