(HNMO) - Sáng 7-10, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai họp chỉ đạo ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng gây mưa lớn kéo dài tại khu vực miền Trung.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, vùng áp thấp đang mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13h ngày 7-10, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Khánh Hòa; sức gió vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Thời gian tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu thành một vùng áp thấp...
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp kết hợp với hoạt động của không khí lạnh nên từ đêm qua (6-10) đến sáng nay (7-10), các tỉnh miền Trung đã xảy ra mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được tại Trạm thủy văn Kỳ Thượng (tỉnh Hà Tĩnh) là 116mm, Sơn Trạch (tỉnh Quảng Bình) 158mm, Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên - Huế) 128mm, Đại Sơn (tỉnh Quảng Nam) 104mm, Bình Khương (tỉnh Quảng Ngãi) 128mm, Hoài Sơn (tỉnh Bình Định) 101mm... Trong ngày hôm nay, vùng núi nhiều huyện thuộc các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.
Dự báo từ nay đến ngày 11-10, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung có khả năng xảy ra mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 300-500mm/đợt; trong đó, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi có lượng mưa phổ biến 500-700mm/đợt... Từ nay đến ngày 9-10 là cao điểm của đợt mưa này. Sau ngày 11-10, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung có khả năng xảy ra đợt mưa lớn và kéo dài tiếp theo.
Đáng lo ngại, trên hệ thống đê các tỉnh miền Trung còn 63 vị trí xung yếu với tổng chiều dài 148,4km; 55 hồ thủy lợi đang bị hư hỏng, 41 hồ thủy lợi và 40 vị trí đê điều đang thi công…
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương tuyệt đối không chủ quan trong ứng phó với mưa lũ. Ngay sau cuộc họp này, các địa phương khẩn trương triển khai phương án bảo đảm an toàn hồ đập; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, bị chia cắt để sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn…
“Ngoài các biện pháp trên, các địa phương khẩn trương triển khai phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực thường xuyên có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu.