(HNMO) - Ngày 28-8, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị ứng phó với bão số 4.
Nhiều nguy cơ thiệt hại
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, sau khi vượt qua Philippines, sáng sớm 28-8, bão Podul đã đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2019 của Việt Nam.
Đến 13h ngày 29-8, tâm bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 180km về phía Đông Nam; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Thời gian tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và có thể mạnh thêm.
Đến 13h ngày 30-8, tâm bão nằm ngay trên vùng biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12. Khoảng chiều tối 30-8, bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; sau đó, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới…
Do ảnh hưởng của bão nên từ đêm 29-8 đến ngày 2-9, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to; tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở khu vực: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 250-400mm; Quảng Trị, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ 200-300mm; khu vực phía Nam Đồng bằng Bắc Bộ và Thừa Thiên - Huế trong khoảng 100-200mm; khu vực trung du, vùng núi Bắc Bộ, Đà Nẵng 50-120mm.
Trên các sông suối thuộc lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long… sẽ xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ khoảng 3-7m.
Các tỉnh vùng núi Bắc Bộ như: Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng, đô thị như: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa đến Quảng Bình có nguy cơ cao bị ngập úng cục bộ...
Ngoài nguy cơ do bão gây ra, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, hiện các tỉnh, thành phố nằm trong khu vực bị ảnh hưởng của bão số 4, từ Nghệ An đến Bình Thuận, còn 24 điểm sạt lở bờ biển, 237 vị trí đê điều trọng điểm, xung yếu; 86 công trình đê điều đang thi công dở dang, 134 hồ chứa thủy lợi bị hư hỏng, 62 hồ chứa đang thi công.
Ngoài ra, trên địa bàn các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn còn 58.000ha lúa đã chín nhưng chưa thu hoạch xong…
Khẩn trương ứng phó
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường nhận định, bão số 4 tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây thiệt hại lớn cho cả khu vực trên biển và đất liền. Ngoài cấp gió giật mạnh, hoàn lưu bão số 4 còn gây ra đợt mưa diện rộng, tập trung tại các khu vực dễ bị tổn thương, nơi còn nhiều hồ chứa xung yếu, xuống cấp…
Do vậy, để giảm thiệt hại do bão số 4 gây ra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc quan trọng nhất là phải kêu gọi toàn bộ tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn; kiên quyết di dời người dân sinh sống trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản; bảo đảm an toàn khu vực neo đậu tàu thuyền…
Bên cạnh đó, các địa phương cần tổng kiểm tra, sẵn sàng triển khai phương án bảo đảm an toàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhỏ, hệ thống đê sông, đê biển…
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan trong công tác ứng phó với bão số 4; nghiêm túc triển khai phương án ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đối với các tỉnh ven biển, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương căn cứ diễn biến của bão để quyết định thời điểm cấm biển; đồng thời, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú; hướng dẫn di chuyển, gia cố bảo đảm an toàn, giảm thiệt hại đối với hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản…
Đối với khu vực ven biển, đồng bằng, đô thị, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu.
Các tỉnh, thành phố triển khai phương án bảo vệ đê điều, nhất là các đoạn đê biển bị sự cố, công trình đang thi công; bảo đảm vận hành an toàn hệ thống điện, bảo đảm thông tin liên lạc, sẵn sàng lực lượng, vật tư để ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố; chủ động chỉ đạo thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Đối với khu vực miền núi, trung du, các tỉnh cần rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu khi mưa lớn để chủ động sơ tán, di dời bảo đảm an toàn tính mạng người dân; tổ chức kiểm tra, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, đang thi công, sửa chữa và hồ thủy điện nhỏ…
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Đại tá Trần Ngọc Hữu, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 14h ngày 28-8, đơn vị đã phối hợp với các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.361 phương tiện với 315.815 lao động đang hoạt động trên biển biết hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát khỏi vùng nguy hiểm...