Mới đây, Bắc Kinh lần đầu tiên đã nạp năng lượng thành công cho lò phản ứng tổng hợp hạt nhân “Mặt trời nhân tạo” của nước này.
Hãng tin RT (Nga) dẫn nguồn tin từ tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đưa tin Mặt trời nhân tạo được thiết kế nhằm cung cấp nguồn năng lượng sạch, tương tự Mặt trời thật.
Theo đó, Mặt trời nhân tạo được tạo ra để tái tạo các phản ứng tự nhiên xảy ra trong Mặt trời bằng cách sử dụng khí hydro và deuterium làm nhiên liệu. Lò phản ứng HL-2M Tokamak là thiết bị nghiên cứu thí nghiệm phản ứng tổng hợp hạt nhân tiên tiến và lớn nhất của Trung Quốc.
Lò phản ứng này được đặt ở phía Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên và được hoàn thành vào cuối năm ngoái. Lò phản ứng được gọi là “Mặt trời nhân tạo” do tạo ra nhiệt lượng và nguồn năng lượng khổng lồ.
HL-2M Tokamak sử dụng từ trường mạnh để nung chảy plasma và có thể đạt nhiệt độ hơn 150 triệu độ C, nóng hơn khoảng mười lần so với lõi của Mặt trời thật.
“Việc phát triển năng lượng tổng hợp hạt nhân không chỉ là một biện pháp giải quyết nhu cầu năng lượng chiến lược của Trung Quốc, mà còn có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển bền vững trong tương lai của năng lượng và nền kinh tế quốc gia”, tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc nhận định.
Dự án này là một phần của dự án Lò phản ứng thử nghiệm nhiệt hạch quốc tế (ITER), có trụ sở tại Pháp. ITER là dự án tổng hợp hạt nhân lớn nhất thế giới với giá trị khoảng 24 tỷ USD. Dự án có sự tham gia của 35 quốc gia và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Các nhà khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu phát triển các phiên bản nhỏ hơn của lò phản ứng tổng hợp hạt nhân, bao gồm cả HL-2M Tokamak từ năm 2006.
Bằng cách khai thác năng lượng được tạo ra từ phản ứng tổng hợp hạt nhân, người ta có thể khai thác năng lượng sạch gần như vô hạn. Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã nỗ lực đạt mục tiêu đó trong nhiều thập kỷ. Vấn đề chính là cần tìm ra một phương pháp hợp lý để chứa plasma nóng trong một không gian và giữ cho nó đủ ổn định để xảy ra phản ứng tổng hợp.