(HNMO) - Tối 26-12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ trao giải Giải thưởng Môi trường Việt Nam và Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ V.
Đến dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thuận Hữu, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam; Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo các ban, ngành trung ương và địa phương…
“Giải thưởng Môi trường Việt Nam” là giải thưởng của Bộ Tài nguyên và Môi trường trao tặng cho các tổ chức, cá nhân và cộng đồng có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ môi trường.
Trong lần xét tặng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 230 hồ sơ đăng ký tham gia của 166 tổ chức; 63 cá nhân và 1 cộng đồng.
Bên cạnh Giải thưởng Môi trường Việt Nam, định kỳ 2 năm trao giải 1 lần từ năm 2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn tổ chức Cuộc thi báo chí về tài nguyên và môi trường (nay là “Giải Báo chí tài nguyên và môi trường”) nhằm tôn vinh những phóng viên báo chí có thành tích xuất sắc, luôn sẵn sàng và đồng hành trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng góp phần vào sự nghiệp bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Ban tổ chức Giải thưởng báo chí về tài nguyên và môi trường lần thứ V năm 2020 nhận được gần 434 tác phẩm của 347 tác giả, nhóm tác giả tham gia Giải thưởng với 4 loại hình báo chí gồm: Báo viết, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Trong đó, có tới 163 tác phẩm được chuẩn bị đăng tải trong nhiều kỳ, nhiều tác phẩm được đăng tới 8, 9 kỳ.
Các tác phẩm báo chí dự thi đều mang tính phát hiện, phản biện sâu, bám vấn đề, phản ánh toàn diện, khách quan, trung thực về bức tranh bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của đất nước, có hiệu quả xã hội tích cực. Điều đó vừa tạo niềm vui, niềm tin, đồng thời tạo áp lực không nhỏ đối với cho các Hội đồng Giám khảo gồm các nhà khoa học, nhà quản lý, các nhà báo có uy tín, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Với Giải thưởng Môi trường Việt Nam, Ban tổ chức trao thưởng 34 tổ chức, cộng đồng, cá nhân có thành tích nổi bật trong bảo vệ môi trường thuộc 3 lĩnh vực: Quản lý về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học và an toàn sinh học; giáo dục, đào tạo, truyền thông về bảo vệ môi trường; phòng ngừa, xử lý ô nhiễm và cải thiện Môi trường. Bên cạnh việc tôn vinh những đóng góp về công sức, trí tuệ, Giải thưởng Môi trường Việt Nam còn là nơi ươm mầm cho những giải pháp chính sách, mô hình sáng tạo về bảo vệ môi trường, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Tiêu biểu như Công ty Nestlé Việt Nam đã được trao Giải thưởng môi trường năm 2020 trong lĩnh vực “Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường”, toàn bộ nhà máy đạt mục tiêu “Không có chất thải rắn chôn lấp ra môi trường”. Công ty cũng đã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến thực phẩm, sử dụng năng lượng tái tạo; là đồng sáng lập Tổ chức liên minh tái chế bao bì Việt Nam và tham gia vào Liên minh chống ô nhiễm rác thải nhựa do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động.
Với giải thưởng báo chí về tài nguyên và môi trường, Ban tổ chức đã trao 4 giải A, 12 giải B và 20 giải C, hai giải tập thể dành cho Thông tấn xã Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam.
Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, ngay sau lễ trao giải, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức để lựa chọn và đưa vào áp dụng những giải pháp hay, những mô hình hiệu quả theo đề xuất của các tác giả; đồng thời cũng sẽ rà soát hoàn thiện hơn nữa cơ chế, chính sách theo thông tin phản hồi qua báo chí.
Mục tiêu của Bộ là để các giải thưởng này tạo được sức lan tỏa lớn hơn, huy động được sự tham gia, hưởng ứng tích cực hơn nữa của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong xã hội, nhằm đề xuất được nhiều mô hình đổi mới về quản lý cũng như giải pháp sáng tạo về khoa học công nghệ; tăng cường thông tin, truyền thông về những nội dung, đổi mới, đột phá trong cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tiếng nói phản biện hiệu quả của các cơ quan báo chí.