Trái đất vừa chứng kiến vụ tiểu hành tinh 2019 TA7 áp sát ở điểm cực gần với vận tốc di chuyển lên đến hơn 35.000km/h.
Đài truyền hình RT (Nga) đưa tin, tiểu hành tinh 2019 TA7, rộng chừng 34m, vừa bay qua Trái đất vào lúc 6h53 ngày 14-10 giờ miền Đông của Nga, tức 10h53 cùng ngày giờ Việt Nam.
Các nhà thiên văn học tại Phòng thí nghiệm phản lực của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã quan sát được “hành tung” của khối thiên thạch trên từ đầu tuần trước. Họ cho biết, “vị khách vũ trụ” này ước tính rộng khoảng 34m, nằm trong số các tiểu hành tinh vừa được phát hiện bay gần hành tinh của chúng ta trong những ngày qua.
Thiên thạch này quay quanh quỹ đạo Mặt trời theo chu kỳ 240 ngày và bay qua Trái đất khoảng mỗi năm một lần. Tuy nhiên, lần bay sát ngày 14-10 sẽ là cú tiếp cận gần nhất của nó trong 115 năm nay, với khoảng cách chỉ còn khoảng 1.500km.
Giới chuyên gia nhiều lần cảnh báo hành tinh của chúng ta không có khả năng đối phó nếu có một hành tinh lao xuống bề mặt. Trên thực tế, Liên hợp quốc đã lập ra Ngày Tiểu hành tinh thế giới (30-6) để nâng cao nhận thức về nguy cơ này.