(HNM) - Đi tiên phong trong việc xây dựng Khu công nghệ cao và Khu công viên phần mềm Quang Trung, thành phố Hồ Chí Minh đã, đang thu về “quả ngọt” từ chiến lược đầu tư phát triển khoa học, công nghệ. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục xác định khoa học, công nghệ là một trong những “bệ phóng” để thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn.
Khẳng định sự đầu tư đúng hướng
Với diện tích khoảng 800ha, Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP) đã thu hút hơn 8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 35.000 lao động. Trong 5 năm qua, giá trị xuất khẩu của SHTP đạt 63 tỷ USD. Hiện trong các công ty hàng đầu ở SHTP, đa số nhân sự bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) đều là người Việt, góp phần tạo nên những sản phẩm công nghệ cao xuất khẩu khắp thế giới.
Theo bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý SHTP, trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Hoa Kỳ và châu Âu bị gián đoạn nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh phụ kiện công nghiệp hỗ trợ từ các nước khác, nên đã tìm đến doanh nghiệp cung cấp trong nước để thay thế. Nhờ vậy, tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp tại SHTP đã tăng từ 22% cuối năm 2019 lên khoảng 33% ở thời điểm hiện nay.
Còn Khu công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) đang mang lại khoảng 500 triệu USD/năm từ việc xuất khẩu hơn 250 sản phẩm, giải pháp công nghệ và phần mềm. Đặc biệt, trong tổng số 165 doanh nghiệp đang hoạt động tại QTSC, chỉ có 50 doanh nghiệp nước ngoài, còn lại là doanh nghiệp công nghệ trong nước. Điều này cho thấy năng lực làm chủ công nghệ của QTSC đã được khẳng định sau gần 20 năm hình thành và phát triển.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC cho biết, Nhà nước chỉ đầu tư khoảng 230 tỷ đồng vào hạ tầng nhưng đã thu hút được các thành phần kinh tế khác với vốn thực hiện đạt 5.600 tỷ đồng trên tổng số 6.606 tỷ đồng vốn đăng ký. Như vậy, một đồng vốn ngân sách đầu tư đã thu hút tới gần 30 đồng vốn doanh nghiệp.
Là một doanh nghiệp đầu tư vào QTSC từ năm 2006, ông Trần Phúc Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TMA Solutions nhìn nhận, đầu tư phát triển ở QTSC là bước đột phá để TMA Solutions có nền tảng vững chắc và có đủ năng lực tham gia phát triển các dự án đô thị thông minh của thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, lĩnh vực công nghệ thông tin đóng góp 4,44% sản phẩm nội địa của thành phố Hồ Chí Minh. Những "quả ngọt" bước đầu thu về từ phát triển khoa học, công nghệ đã khẳng định sự đầu tư đúng hướng và kịp thời của thành phố Hồ Chí Minh cho những mục tiêu dài hơi hơn.
Tiếp tục tăng tốc
Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để đón đầu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thành phố cần có bước chuyển mạnh mẽ về đầu tư cho khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. “Thành phố sẽ tiếp tục phát triển dựa trên nền tảng của ứng dụng khoa học, công nghệ”, Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh.
Theo đó, dự kiến giai đoạn 2020-2025 thành phố Hồ Chí Minh sẽ chi 1% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cho phát triển khoa học, công nghệ (giai đoạn 2016-2020 là hơn 0,8%). Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Thường trực Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, tăng nguồn chi cho khoa học, công nghệ là rất cần thiết, cùng với đó phải đánh giá hiệu quả đầu tư. Trong thời gian tới, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh sẽ cùng thành phố hiện thực hóa Đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế, trong đó có chương trình về trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin phục vụ xây dựng đô thị thông minh.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ sẽ giúp thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn. Hiện thành phố đang xây dựng đô thị thông minh; phát triển chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung ở nhiều tỉnh, thành phố; quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố...
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhận định, phát triển khoa học, công nghệ là yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố. Thành phố sẽ đầu tư mạnh và toàn diện cho khoa học công nghệ, gồm cả phần kỹ thuật và kỹ năng quản lý. Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, thành phố sẽ tạo cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư từ xã hội.
“Quan điểm của thành phố là mở ra cơ hội cho chính mình và các đối tác, nhà đầu tư. Thành phố quyết tâm giải quyết các điểm nghẽn từ chính sách, đổi mới tư duy trong thu hút các nguồn lực đầu tư, trong đó khuyến khích các ngành, lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.