(HNM) - Biến đổi khí hậu khiến thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để không làm gia tăng rủi ro thiên tai, hạn chế thiệt hại, huyện Thanh Trì chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó cho người dân; đồng thời, nâng cao trách nhiệm của cán bộ chính quyền cấp cơ sở…
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, là vùng đồng bằng, nằm sâu trong đất liền nên nhiều năm nay, huyện Thanh Trì không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm, song sự thuận lợi này đã khiến một số người dân và thậm chí cán bộ cấp cơ sở có tâm lý chủ quan trong thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Thực tế kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại 16 xã, thị trấn của huyện, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thanh Trì phát hiện có địa phương chưa xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai chi tiết gắn với thực tế trên địa bàn; chưa chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở. Một số địa phương chưa chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống một số loại hình thiên tai cho người dân... “Đây chính là điểm yếu, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng rủi ro, thiệt hại do thiên tai...”, bà Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá.
Để chủ động ứng phó diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường của thời tiết, giảm rủi ro, tổn thất do thiên tai gây ra, huyện Thanh Trì đã nghiêm khắc phê bình lãnh đạo các địa phương có tư tưởng chủ quan; đồng thời, yêu cầu các xã, thị trấn rà soát, cập nhật, bổ sung phương án phòng ngừa, ứng phó thiên tai sát với thực tế. Các cơ quan, đơn vị tăng cường tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai cho người dân…
Thực hiện chỉ đạo trên, 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã kiện toàn ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát, bổ sung lực lượng, phương tiện, vật tư bảo đảm phương châm “4 tại chỗ”…
Trao đổi về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc Chử Mạnh Thắng cho biết, xã vừa phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội tập huấn tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về cảnh giác, chủ động sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn. Đảng ủy, UBND xã đã ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch, triển khai công tác phòng, chống thiên tai; kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xây dựng đề án phòng, chống thiên tai; tổ chức lớp tập huấn về phòng, chống thiên tai...
Bà Nguyễn Thị Hằng, người dân thôn 1, xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) nhìn nhận: “Tham gia lớp tập huấn về phòng, chống thiên tai, tôi hiểu những cách để phòng tránh sét đánh và điện giật trong mùa mưa bão; cách xây dựng phương án phòng, chống thiên tai cho gia đình, như: Chuẩn bị lương thực, thuốc men, nhiên liệu… để ứng phó với tình huống ngập lụt diện rộng trong nhiều ngày...”.
Tương tự, các xã: Duyên Hà, Yên Mỹ, Vĩnh Quỳnh... đã chỉ đạo các thôn hướng dẫn người dân xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai, sẵn sàng nhân lực, phương tiện, vật tư phục vụ công tác hộ đê, phòng, chống úng ngập…
“Ngoài tăng cường đầu tư nâng cao năng lực công trình phòng, chống thiên tai, đổi mới công tác tập huấn, tuyên truyền... thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác diễn tập để người dân thêm kinh nghiệm thực tế ứng phó với một số loại hình thiên tai; yêu cầu cán bộ các địa phương tăng trách nhiệm hơn nữa trong công tác phòng, chống thiên tai”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết.