(HNM) - Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội còn 8 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Trước thực trạng này, thành phố đã có kế hoạch triển khai dự án cải tạo môi trường tại các điểm tồn lưu hóa chất, cố gắng khắc phục khó khăn khi một số khu vực đã bị biến dạng hoặc xây dựng công trình kiên cố...
Nhiều kho thuốc gây ô nhiễm...
Ở thôn Ninh Sơn, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) có một kho chứa thuốc bảo vệ thực vật từ giai đoạn những năm 1970-1990. Trong kho thuốc này vẫn còn tồn lưu nhiều loại hóa chất có hại cho môi trường và sức khỏe con người. Ông Nguyễn Huy Phương ở thôn Ninh Sơn cho biết: Mỗi khi đi qua khu vực này, mùi hóa chất nồng nặc, nhiều người hít phải có cảm giác chóng mặt, hoa mắt. Còn bà Hoàng Thị Đua, nhà ở gần kho thuốc nói: “Trong khu vực nhà kho còn một bể xi măng chứa các loại thuốc bảo vệ thực vật, mỗi khi trời trở gió, mùi tanh, hắc lại xộc vào khu dân cư...”.
Tương tự, tại thôn Phú Thứ, thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất) đang tồn lưu một kho hóa chất. Trước đây, nơi này chứa hàng chục tấn thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Thuốc diệt cỏ 666, ofatox, thuốc diệt chuột... Các loại thuốc này khi hết hạn sử dụng được công nhân cho vào thùng phuy, chai lọ thủy tinh rồi đem chôn. Trải qua thời gian, các hóa chất này ngấm vào đất, theo nước mưa chảy ra đồng ruộng, sông Tích..., đóng váng xanh và có mùi tanh, hắc.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn 6 khu vực khác tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật chưa được xử lý, ở các địa phương gồm: Xã Tân Lập (huyện Đan Phượng), thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì), thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa), xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh), phường Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm), xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ). Tuy nhiên, các điểm này đã mất dấu vết bởi các công trình xây dựng khác.
Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ Lã Văn Tùng cho biết, hằng năm, huyện đều có văn bản đề xuất thành phố cho xử lý điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật tại xã Đồng Phú và thị trấn Chúc Sơn nhưng chưa được triển khai. Một số địa phương như: Xã Tân Lập (huyện Đan Phượng), thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì), thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa)... cũng kiến nghị thành phố sớm có biện pháp cải tạo môi trường để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Mai Trọng Thái, nguyên nhân chưa xử lý ô nhiễm tại các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật do việc này rất phức tạp, chi phí lớn. Hơn nữa, nhiều điểm tồn lưu hóa chất ở các huyện đã thay đổi mục đích sử dụng đất, mất dấu vết dẫn đến khó khăn cho việc khoanh vùng, đánh giá mức độ ảnh hưởng để xây dựng dự án xử lý. Trước đây, chi cục cũng đã có tờ trình xin kinh phí từ các bộ, ngành để thực hiện dự án phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm hóa chất nhưng chưa được hỗ trợ. Do thiếu kinh phí nên đến nay các kho hóa chất này chưa được xử lý dứt điểm.
... cần sớm được xử lý
Để giải quyết vấn đề trên, Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) Đỗ Đức Thành cho biết: Thực hiện Văn bản số 2595/ UBND-ĐT ngày 29-5-2017 của UBND thành phố Hà Nội về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường trên địa bàn thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã chọn 3 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại xã Đồng Phú, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) và thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất) để quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm. Kết quả, điểm tồn lưu hóa chất tại thị trấn Liên Quan ô nhiễm nghiêm trọng nhất, dư lượng hóa chất trong đất vượt quy chuẩn cho phép 6-7 lần. Điểm tại thị trấn Chúc Sơn ô nhiễm ít nghiêm trọng, dư lượng hóa chất vượt 2,5 lần và điểm xã Đồng Phú ô nhiễm nhẹ...
Căn cứ vào tính cấp thiết và mức độ ô nhiễm, thành phố đã phê duyệt dự án xử lý, phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất tại thị trấn Liên Quan, với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng. Dự án đã triển khai cuối tháng 10-2020 và sẽ hoàn thành vào ngày 31-12-2020. Còn điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật ở thị trấn Chúc Sơn và xã Đồng Phú sẽ được cải tạo trong năm 2021.
Về tiến độ xử lý các điểm còn lại, ông Mai Trọng Thái khẳng định, đối với các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật bị mất dấu vết hoặc đã xây dựng công trình kiên cố, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đang phối hợp với Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (Bộ Tư lệnh Hóa học) quan trắc mẫu đất, nước, không khí xung quanh. Khi có kết quả sẽ lập phương án báo cáo UBND thành phố cho xử lý. “Quan điểm của chúng tôi là đề xuất UBND thành phố cho xử lý, cải tạo tất cả điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật trong năm 2021 vì càng để lâu càng khó xử lý, lại tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người dân...”, ông Mai Trọng Thái nhấn mạnh.