(HNMO) - Sáng nay (3-11), Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai tiếp tục họp chỉ đạo ứng phó với bão số 10.
Tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, sáng nay, bão số 10 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Khoảng 7h ngày mai (4-11), bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 300km với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Đến 7h ngày 5-11, bão cách các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 150km với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Sau thời gian trên, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa...
Do ảnh hưởng của bão nên từ chiều 4 đến 7-11, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ xảy ra đợt mưa rất to với lượng mưa 100-350mm. Các tỉnh, thành phố thuộc những khu vực trên có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, nhất là các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi...
Ứng phó với bão, Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 49.877 tàu thuyền, phương tiện với 232.118 lao động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hiện còn 8 phương tiện với 60 lao động (tỉnh Bình Định) hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão đã nhận thông tin và đang di chuyển vòng tránh.
Các tỉnh, thành phố nằm trong vùng ảnh hưởng của bão đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân gia cố, di dời đến nơi an toàn 189.829 lồng, bè nuôi trồng thủy sản; trong đó, tỉnh Phú Yên di dời 81.177 lồng bè, tỉnh Khánh Hòa di dời 91.225 lồng bè... Tỉnh Bình Định đã lệnh cấm biển, không cho tàu đánh cá ra khơi từ 14h ngày 2-11... Các đơn vị quân đội tiếp tục duy trì 7.239 cán bộ, chiến sĩ và 103 phương tiện các loại thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm người mất tích trên biển, đất liền, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả mưa, lũ, sạt lở đất...
Về tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả thiên tai, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cho biết, tính đến ngày 3-11, bão số 9 và mưa lũ, sạt lở đất đã làm 36 người chết; trong đó, tỉnh Quảng Nam 26 người, tỉnh Nghệ An 8 người... Hiện, 4 tỉnh còn 46 người mất tích do sạt lở đất và sự cố chìm tàu trên biển; trong đó, tỉnh Quảng Nam 21 người, tỉnh Bình Định 23 người...
Đến sáng nay, trên các tuyến quốc lộ: 7B, 9B, 12A, 15, 15D, 16, 46, 46B, 49, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đường Trường Sơn Đông... đi qua địa phận các tỉnh: Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế còn 36 điểm sạt lở, úng ngập gây ách tắc giao thông...
Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình còn xã Thượng Hóa (huyện Minh Hóa) bị cô lập do sạt lở quốc lộ 12A. Trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn 16.370 hộ dân và tỉnh Hà Tĩnh còn 607 hộ dân bị ngập úng nhà cửa... Sáng nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi vẫn còn 52 xã, thị trấn chưa khôi phục xong hệ thống cấp điện...
Kết luận cuộc họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, dù cường độ đã giảm nhưng bão còn gây nguy hiểm cho các tàu thuyền hoạt động trong vùng ảnh hưởng. Ngoài ra, hoàn lưu của bão tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại rất lớn tại các tỉnh, thành phố miền Trung...
Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải quản lý chặt chẽ hoạt động của các tàu thuyền hoạt động trên biển; rà soát, sẵn sàng triển khai phương án di dân ra khỏi khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất...
Bên cạnh công tác ứng phó với bão, các địa phương tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục hậu quả bão số 9; trong đó, tập trung tìm kiếm nạn nhân mất tích, nhưng cần bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn tại các khu vực bị sạt lở đất, trên biển… Cùng với nhiệm vụ trên, các địa phương khẩn trương hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh...