(HNMO) - Lượng chất thải rắn phát sinh tại các bệnh viện khoảng 600 tấn/ngày, trong đó 60 tấn là chất thải y tế nguy hại.
Sáng 16-8, Bộ Y tế hối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế tại điểm cầu trung ương ở trụ sở Bộ Y tế và 63 điểm cầu ở UBND các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chất thải nhựa đang trở thành vấn đề ô nhiễm môi trường toàn cầu chứ không phải riêng quốc gia nào. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và cộng đồng.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, các cơ sở y tế cũng làm phát sinh chất thải nhựa. Chất thải nhựa trong y tế phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của các nhân viên y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân, người sử dụng dịch vụ y tế và từ các hoạt động chuyên môn y tế như từ bao bì, dụng cụ bao gói, chứa đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị, đồ dùng trong y tế. Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị ngành Y tế tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; phát động thi đua, khen thưởng, phát hiện và biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa…
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, ngành Y tế, Tài nguyên và Môi trường có quan hệ mật thiết với nhau. Khi môi trường ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, GDP sẽ bị thiệt hại 3-5%. Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, lượng chất thải y tế phát sinh ngày một gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, lượng chất thải rắn phát sinh tại các bệnh viện khoảng 600 tấn/ngày, trong đó khoảng 10% là chất thải y tế nguy hại, tương đương 60 tấn. Số lượng này tăng ở hầu hết các địa phương bởi cơ sở y tế, giường bệnh và việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần gia tăng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá, Bộ Y tế là bộ đầu tiên triển khai nghiêm túc, toàn diện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết vấn đề chất thải nhựa; đồng thời tin tưởng, đến năm 2025, tất cả các cơ sở y tế trên cả nước cơ bản sẽ không còn dùng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Bà Sitara Syed, Quyền Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ, hiện thế giới tạo ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, trong đó 8 triệu tấn đã trôi dạt ra các đại dương, một lượng lớn đang nằm trong môi trường tự nhiên. Rác thải nhựa là mối hiểm họa lớn và phải cùng nhau hành động để giải quyết được mối hiểm họa này.
Việt Nam thải ra môi trường khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, nằm trong nhóm 5 nước có rác thải nhựa lớn tại châu Á. Điều quan trọng là Việt Nam đã nhận thức rõ vấn đề và đã có hành động cụ thể. Bà Sitara Syed hy vọng các hành động về giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam sớm được triển khai và tạo ra kết quả thiết thực.
Tại điểm cầu trung ương, Bộ trưởng Bộ Y tế và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đã ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa; tại điểm cầu địa phương, giám đốc sở y tế cùng thủ trưởng các đơn vị trực thuộc sở y tế đã ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa.
Trong khuôn viên trụ sở Bộ Y tế có khu trưng bày nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường như: Bút, ống hút, cốc, khay đựng thức ăn, thìa, túi, ví...