Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese trao đổi tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Điều này được thể hiện nhất quán trong các hoạt động rất đa dạng của Thủ tướng ở hai nước, từ hoạt động đa phương như Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia, tới các sự kiện song phương trong chương trình thăm Australia và New Zealand, và đặc biệt khi gặp gỡ kiều bào - những người con xa Tổ quốc.
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia nhận xét: Các chính giới của Astralia rất ấn tượng và thiện cảm với ngài Thủ tướng; cộng đồng doanh nghiệp và bạn bè quốc tế ở Australia và New Zealand đều rất kính trọng và đánh giá cao sự năng động, mạnh mẽ, tự tin của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, nhất là các hoạt động, các thông điệp quan trọng của ông đều gây cảm tình, truyền cảm hứng cho đối tác.
Những nghi lễ ngoại giao đặc biệt…
New Zealand là quốc đảo nằm ở tận cùng của Tây Nam Thái Bình Dương, còn được gọi là "Aotearoa", trong tiếng bản địa Maori có nghĩa là "miền đất của dải mây trắng dài".
Cũng như nhiều người khác, trong chuyến thăm đầu tiên tới New Zealand, Thủ tướng Phạm Minh Chính ấn tượng với sự thanh bình, văn minh, tươi đẹp, mến khách, xanh, sạch, đẹp, an toàn của quốc gia công nghiệp phát triển với mức thu nhập rất cao này.
Toàn quyền Australia đích thân lái xe điện đưa Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân tham quan Phủ Toàn quyền - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đoàn đại biểu Việt Nam đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo của Chính phủ và người dân New Zealand. Lễ đón Thủ tướng được tổ chức trọng thể theo lễ nghi ngoại giao cao nhất dành cho người đứng đầu Chính phủ nước ngoài, với 19 loạt đại bác.
Đặc biệt, New Zealand là đất nước đa sắc tộc, đa văn hóa, trong buổi lễ còn có những nghi thức chào đón dành cho những vị khách quý từ phương xa theo phong tục truyền thống của người bản địa Maori. Sự thân thiện và mến khách khiến những phong tục với tên gọi bản địa như múa haka (điệu múa chiến binh), lễ Hongi (chạm mũi)… trở nên gần gũi với các thành viên đoàn Việt Nam.
Theo Thủ tướng, Việt Nam và New Zealand chia sẻ nhiều giá trị chung, như coi trọng việc duy trì bản sắc văn hóa dân tộc; đề cao tính cộng đồng, sự đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái. Dẫn câu ngạn ngữ của người Maori: "Để nuôi dạy một đứa trẻ thành người cần đến công sức của cả buôn làng. Để một người thành công, cần sự nỗ lực của cả cộng đồng", Thủ tướng cho biết, người Việt Nam cũng có câu tương tự: "Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".
Còn tại đất nước lục địa Australia, Đại sứ Việt Nam Phạm Hùng Tâm nhấn mạnh, chuyến thăm lần này của Thủ tướng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước và Australia đã dành cho Thủ tướng và đoàn sự đón tiếp hết sức trọng thị, chu đáo, với những nghi lễ ngoại giao đặc biệt vượt mức thông thường.
Lễ đón chính thức diễn ra trang trọng tại Nhà Quốc hội Australia - nằm trên một ngọn đồi cao có thể phóng tầm mắt ra không gian phóng khoáng, tươi đẹp, ngút ngàn màu xanh của "thành phố vườn" Canberra, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân và du khách.
Chính phủ New Zealand dành cho Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân phong tục đặc biệt chào đón khách quý của người bản địa Maori. Trong ảnh, Thủ tướng New Zealand và Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện lễ Hongi (chạm mũi) trong nghi thức đón - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thân mật, gần gũi và trọng thị, Thủ tướng Australia dẫn Thủ tướng Phạm Minh Chính đi giới thiệu phòng làm việc, hỏi thăm về gia đình, sở thích... Ông còn chia sẻ với người đồng nhiệm Việt Nam những câu chuyện, như vừa đi dự một đám cưới mà cô dâu là người gốc Việt, trong đó họ nhà trai chỉ có 20 khác,h nhưng họ nhà gái có hơn 100 khách.
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, một doanh nghiệp Việt kiều nổi tiếng được Chính phủ Australia mời có tham dự tiệc chiêu đãi trang trọng này, nhận xét: Ngay cả tiệc chiêu đãi, nước chủ nhà cũng "Việt hóa" nhiều món ăn với nhiều gia vị thuần Việt nhưng được kết hợp tinh tế với các món ăn truyền thống của Australia, đủ thấy phía bạn rất nhiệt thành, chuẩn bị kỹ và văn hóa Việt Nam đã tạo được dấu ấn sâu đậm tại "Xứ sở chuột túi".
Tư duy khoa học, trình bày khúc chiết, mạch lạc, bài bản với những thông điệp mạnh mẽ, có tầm nhìn, chiến lược của người đứng đầu Chính phủ đã gây ấn tượng lớn với các chính giới, các vị khách quý có mặt các buổi làm việc, tiếp khách và cả buổi chiêu đãi của Thủ tướng Australia - ông Hoàng nhận định.
Đặc biệt, Toàn quyền Australia đã đích thân lái xe điện đưa Thủ tướng Chính phủ và Phu nhân tham quan Phủ Toàn quyền. Theo quan sát của nhiều người, thì đây là cử chỉ rất hiếm có và chuyến thăm của Thủ tướng làm cộng đồng người Việt đều hãnh diện, tự hào.
Trao đổi với các đối tác hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhiều lần chia sẻ thông điệp "từ trái tim tới trái tim". Theo ông, tình cảm gắn bó, nhiệt tình thắt chặt quan hệ song phương không chỉ thể hiện qua lời nói, mà còn qua những ánh mắt, những cái bắt tay và có thể khẳng định, thiết lập được lòng tin, sẻ chia, chân thành, đó chính là điều quan trọng nhất.
"Chúng tôi không bao giờ quên sự hỗ trợ, ủng hộ quý báu của những người bạn trong những thời khắc khó khăn nhất. Lúc khó khăn, hoạn nạn mới biết ai là người chân thành, người hết lòng với mình", Thủ tướng khẳng định.
Thường xuyên đặt câu hỏi "còn ai còn ý kiến nào nữa không" để khuyến khích các đại biểu, người đứng đầu Chính phủ chú ý lắng nghe tất cả các ý kiến. Nhiều đại biểu bày tỏ, chính sự cởi mở, gần gũi của Thủ tướng đã giúp họ có động lực, mạnh dạn nói lên ý kiến của mình - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
'Tôi đến đây để nghe bà con nói, đừng sợ hết giờ'
Cũng trong chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp một số hội Việt kiều, gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt, các doanh nhân người gốc Việt tại Australia và New Zealand. Các cuộc gặp mặt diễn ra trong không khí hết sức thân tình, gần gũi, chân thành, không có khoảng cách giữa đoàn công tác với những người con xa Tổ quốc.
Thủ tướng chú ý ghi chép tất cả các ý kiến và trả lời cặn kẽ, không né tránh bất kỳ câu hỏi nào. Lắng nghe xong mỗi ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính lại thường xuyên nhìn quanh khán phòng và hỏi "Còn bà con nào có ý kiến gì nữa không?" để khuyến khích họ trình bày.
Đơn cử như cuộc tiếp nhóm khoa học công nghệ người Việt (VietTech NZ), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức New Zealand. Do lịch trình dày, thời gian thiết kế của hoạt động này không dài, nhưng Thủ tướng đã kéo thêm gần một giờ với mong muốn được lắng nghe hết ý kiến tâm huyết, những hiến kế của đội ngũ trí thức, nhà khoa học người Việt tại đây đối với nước nhà.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng bà con người Việt sân bay Canberra - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
"Đi mấy chục nghìn km từ Việt Nam sang đây, chúng tôi không tiếc thời gian để được nghe những kinh nghiệm, bài học, những thuận lợi, khó khăn của bản thân mỗi người Việt tại New Zealand", ông nói với các đại biểu và cả các thành viên đoàn công tác.
Tương tự, tại cuộc gặp kiều bào tối cùng ngày, thời gian có hạn, Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand ban đầu chỉ định dừng ở 4 ý kiến, nhưng Thủ tướng lại muốn nghe nhiều hơn thế. Thủ tướng cởi mở: "Bà con có ý kiến, thắc mắc, tâm tư gì cứ nói hết. Tôi đến đây để nghe bà con nói, đừng sợ hết giờ". Sau câu nói đó của Thủ tướng, không khí cuộc gặp trở nên hết sức sôi động.
Gặp gỡ bà con kiều bào ở New Zealand, Thủ tướng mong bà con tiếp tục đoàn kết, người đi trước giúp đỡ người đi sau, "lá lành đùm lá rách", đồng sức, đồng lòng chung tay xây dựng một cộng đồng đoàn kết phát triển, vững mạnh - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Kiều bào từ nhiều giới, nhiều độ tuổi, nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã chia sẻ những trải nghiệm cá nhân nhưng có tính khái quát cao, câu chuyện nhỏ nhưng lại ý nghĩa lớn, gợi mở nhiều định hướng, giải pháp đáng chú ý về giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo thêm động lực, truyền thêm cảm hứng, giúp các lãnh đạo có thêm tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận vấn đề mới, theo Thủ tướng. Nghe trực tiếp các ý kiến, góp ý, thấy rất phong phú.
Thủ tướng kỳ vọng, tin tưởng và mong muốn mỗi kiều bào "luôn tự hào là người Việt Nam và luôn xứng đáng là người Việt Nam", dù ở đâu hay làm gì. Đáp lại Thủ tướng, bà con khẳng định luôn giữ trái tim Việt Nam và luôn hướng về quê hương đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN chụp ảnh chung tại lễ đón chính thức các trưởng đoàn dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
'Chúng tôi có lợi mà đối tác thiệt thì chúng tôi cũng không vui vẻ gì'
Trên bình diện đa phương, trong chuyến công tác lần này, các phát biểu sâu sắc, toàn diện, mang tầm chiến lược của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia được các nước đánh giá cao, vừa đánh giá đúng tầm mức quan hệ 50 năm qua, vừa đề xuất tầm nhìn, định hướng tương lai và các đề xuất, sáng kiến thúc đẩy quan hệ trong thời gian tới. Các nước ấn tượng với những số 3 mà Thủ tướng Việt Nam đề xuất, đó là 3 đột phá, 3 tăng cường và 3 cùng cho quan hệ ASEAN-Australia thời gian tới.
Trong các phát biểu chính sách, chia sẻ về đường lối ngoại giao của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết những vấn đề đặt ra với thế giới hiện nay - một thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn, mâu thuẫn lớn và trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc.
Nhấn mạnh bản sắc, trường phái "ngoại giao cây tre", Thủ tướng nêu rõ: Cây tre Việt Nam "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng. "Nếu chúng tôi có lợi mà đối tác thiệt thòi, không được gì thì chúng tôi cũng không vui vẻ gì và quan hệ hợp tác cũng không thể bền vững", Thủ tướng thẳng thắn chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ định hướng chủ đạo trong quan hệ quốc tế của Việt Nam là: Lấy sự chân thành làm cơ sở để thúc đẩy đối thoại, củng cố lòng tin vì các mối quan hệ bền vững, lâu dài; chủ động đóng góp vào các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế. Đề cao đoàn kết, hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung; đẩy mạnh tư duy "hợp tác cùng thắng, cùng có lợi" thay vì tư duy "thắng-thua"; lấy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển làm mục tiêu; lấy Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế làm nền tảng. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; chủ động thích ứng; nâng cao năng lực nội sinh, năng lực tự thân, tính tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên của các quốc gia, khu vực.
Xin được được kết lại bài viết này bằng nhận xét của những người trực tiếp nghe Thủ tướng nói. Chị Nguyễn Thị Minh, kiều bào New Zealand đã 20 năm xa Tổ quốc phát biểu: "Chúng ta không lựa chọn nơi mình sinh ra, cũng không lựa chọn cha mẹ mình, nhưng chúng ta có thể lựa chọn được thái độ sống và chính từ sự chia sẻ chân thành của Thủ tướng, tôi thấy rất biết ơn. Tôi mong thái độ sống tích cực, tinh thần nỗ lực vì cái chung sẽ tiếp tục lan tỏa tới tất cả mọi người".
Còn GS. John Allen, Hiệu trưởng Đại học Victoria Wellington (New Zealand) đã đánh giá rất cao các thông điệp được Thủ tướng đưa ra trong phát biểu chính sách tại đây. Ông cho biết, các thính giả đều thực sự vinh hạnh được lắng nghe, cảm nhận được sự chân thành, nhiệt tình, đầy năng lượng, truyền cảm hứng trong phát biểu của Thủ tướng. "Chúng tôi thực sự xúc động vì Ngài Thủ tướng đã làm cho New Zealand càng hiểu Việt Nam hơn, chúng ta càng thêm gắn bó, hiểu biết nhau hơn, thực sự đi từ trái tim đến trái tim", ông nói.