(HNM) - Sau 4 tháng kể từ khi bùng phát, tính đến 23h ngày 4-5, dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 249.522 người trong 3.596.766 ca nhiễm. Nhiều giải pháp chưa từng có trong tiền lệ đã được chính phủ các nước gấp rút thực hiện nhằm đương đầu với đại dịch. Bên cạnh các biện pháp như phong tỏa, giãn cách xã hội... các quốc gia đang chạy đua với thời gian để sớm tìm ra loại vắc xin đặc trị căn bệnh chết người này. Trong nỗ lực hợp tác chung toàn cầu, Việt Nam cũng đã tham gia và có những thành công bước đầu trong việc nghiên cứu dự tuyển vắc xin.
Ngay từ tháng 1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã làm việc với các nhà khoa học đến từ hàng trăm tổ chức và viện nghiên cứu để phát triển và thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19, với mục tiêu có thể sản xuất hàng trăm triệu liều chỉ trong khoảng từ 12 đến 18 tháng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất chính là việc hài hòa giữa tốc độ nghiên cứu, sản xuất với việc bảo đảm các quy trình an toàn. Các chuyên gia lo ngại việc chạy đua mà không có sự hợp tác chặt chẽ, đồng bộ có thể cho ra đời những loại vắc xin không bảo đảm tiêu chuẩn, gây biến chứng và làm suy yếu hệ miễn dịch của người bệnh.
Trước những đòi hỏi cấp thiết, các tổ chức đa phương, các hãng dược phẩm và các nhà hảo tâm trên toàn thế giới đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào nỗ lực nghiên cứu và điều chế vắc xin chống Covid-19. Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) xác định, có hơn 100 loại vắc xin tiềm năng đang được triển khai nghiên cứu và thử nghiệm. Dưới sự điều phối của WHO, nhóm nghiên cứu các nhà khoa học và nhà sản xuất từ Mỹ, Canada, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thụy Điển và Singapore đang nỗ lực phát triển vắc xin nhằm ứng phó với đại dịch. Cuối tháng 4 vừa qua, lãnh đạo các nước từ châu Âu, châu Á, Trung Đông, châu Mỹ cũng đã tham gia vào hội nghị trực tuyến để khởi động sáng kiến của WHO về đẩy nhanh hoạt động xét nghiệm, phát triển thuốc và vắc xin chống vi rút SARS-CoV-2.
Gần đây nhất, các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ ủng hộ sáng kiến gây quỹ trị giá 7,5 tỷ euro cho cuộc chiến chống đại dịch do Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đề xuất, trong đó tập trung vào nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm vắc xin và thuốc điều trị Covid-19. Trong một bức thư ngỏ vào cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh quỹ này sẽ mở đầu cho sự hợp tác toàn cầu chưa từng có trong lịch sử.
Đóng góp vào nỗ lực hợp tác chung đó, ngay từ khi Việt Nam ghi nhận ca đầu tiên dương tính với Covid-19, Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 VABIOTECH (Bộ Y tế) đã hợp tác cùng Đại học Bristol (Anh) để nghiên cứu vắc xin phòng vi rút SARS-CoV-2. Hiện các nhà khoa học đã thành công bước đầu trong việc nghiên cứu dự tuyển vắc xin trong phòng thí nghiệm và tiêm thử nghiệm trên chuột. Trước đó, trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park cũng đánh giá, năng lực sản xuất vắc xin của Việt Nam rất mạnh, có thể huy động Việt Nam sản xuất khi cần thiết. Điều này thực sự có ý nghĩa, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ và nỗ lực quyết liệt của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và trở thành một cuộc chiến toàn cầu mà không một cá nhân, tổ chức hay quốc gia nào có thể một mình đương đầu. Trong hoàn cảnh đó, sự chung tay toàn cầu thay vì các nỗ lực cạnh tranh riêng lẻ sẽ là yếu tố sống còn để rút ngắn thời gian nghiên cứu và sản xuất vắc xin, giúp con người giành ưu thế và chiến thắng trong cuộc chiến cam go này.