(HNNN) - Cách đây tròn 60 mùa xuân, Xuân Canh Tý 1960, toàn dân ta nô nức hưởng ứng “Tết trồng cây” đầy ý nghĩa đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, mỗi một mùa xuân tới, cả nước lại có thêm hàng triệu cây xanh, bổ sung nguồn lực quan trọng góp phần nâng cao chất lượng cảnh quan, môi trường sống, thúc đẩy phát triển kinh tế để “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Làm theo lời Bác, mảng xanh rộng mở
Ngày 11-1-1960, tại Công viên hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trồng cây đa mở đầu cho phong trào “Tết trồng cây” đầy ý nghĩa. Tại đây, nói chuyện với cán bộ, nhân viên, người dân, Người cho rằng đây là việc làm cho bản thân, cho con cháu mình.
Tìm lại các tư liệu thì thấy, từ trước đó rất lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc tới việc trồng cây, gây rừng, nâng cao chất lượng môi sinh, chọn việc bảo vệ, trồng cây xanh làm điểm tựa cho hoạt động bảo vệ môi trường. Cụ thể, để chuẩn bị cho “Tết trồng cây” đầu tiên, trên Báo Nhân dân, số 2082, ra ngày 28-11-1959, Người đã có bài viết Tết trồng cây, phân tích ý nghĩa và lợi ích thiết thực của việc làm này.
Người nêu rõ: “Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta...”.
Những lời căn dặn thật giản dị, gần gũi, dễ đi vào lòng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhân dân hưởng ứng, thực hiện tích cực trong suốt 60 năm qua. Năm nào cũng vậy, “Tết trồng cây” được triển khai tích cực, sôi nổi, thiết thực trên mọi miền Tổ quốc, từ thành phố đến nông thôn, từ đồng bằng tới miền núi, hải đảo... Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiên phong, gương mẫu cùng nhân dân cả nước hăng hái trồng, chăm sóc cây xanh theo lời Bác dặn. Kết quả đạt được luôn rất ấn tượng, khi công tác trồng, bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng tiến triển tích cực theo từng năm.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), riêng trong năm 2019, cả nước đã trồng hơn 239,15 nghìn héc ta rừng, vượt 12,6% kế hoạch năm; trồng 63,5 triệu cây phân tán các loại, vượt 7,8% kế hoạch năm... Nếu như cách đây 10 năm, tỷ lệ che phủ rừng cả nước mới đạt 39,1% (năm 2009) thì đến năm 2019, tỷ lệ này đã đạt 41,85%, và dự kiến sẽ đạt 42% trong năm 2020.
Đáng nói là diện tích rừng trồng có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc cây giống tăng lên, đạt tỷ lệ 85%. Đó là cơ sở để tin tưởng rằng chất lượng rừng, năng suất rừng tăng khoảng 10% - 15%.
Theo ông Nguyễn Văn Giang, chuyên viên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về quản lý rừng bền vững, hệ thống chứng chỉ rừng của Việt Nam đã hoàn thiện, đến nay đã có 269.163 héc ta rừng trên địa bàn 24 tỉnh, thành phố được cấp chứng chỉ, trong đó diện tích được cấp trong năm 2019 là 42.924 héc ta. Việt Nam là quốc gia thứ 50 trên thế giới tham gia hệ thống Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng châu Âu (PEFC)...
Trong bối cảnh thế giới đã, đang chứng kiến những tác động khôn lường từ biến đổi khí hậu, cháy rừng thảm khốc ở châu Mỹ, Australia...; chất lượng không khí ở nhiều thành phố châu Á suy giảm do bụi mịn, những kết quả đạt được kể trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng môi sinh.
Phát huy truyền thống, kết quả ấn tượng về trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, những ngày đầu Xuân Canh Tý 2020 vừa qua, phong trào “Tết trồng cây” đã được các cấp, ngành, địa phương tích cực triển khai với kế hoạch cụ thể, phù hợp với đặc thù cơ sở, trên tinh thần “trồng cây nào, sống cây đó”.
Với những tỉnh bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, không chỉ các cơ quan chức năng mà đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên đã tích cực tham gia trồng cây lấn biển, biến thách thức thành cơ hội phát triển kinh tế kết hợp với bảo vệ môi trường. Những cánh rừng trồng cây ăn quả, cây nguyên liệu cho sản xuất cũng xuất hiện ngày càng nhiều nhờ thực hiện chính sách giao rừng cho các hộ cá nhân đầu tư phát triển sản xuất kết hợp với bảo vệ, phát triển rừng.
Tại các khu đô thị, khu công nghiệp, đặc biệt là những khu đô thị, khu công nghiệp mới, những mảng xanh ngày càng được quan tâm, phát triển. Đây cũng chính là địa điểm được nhiều thành phố lựa chọn làm nơi phát động “Tết trồng cây”. Tinh thần, khí thế hừng hực đó trong tiết xuân căng tràn càng khiến chúng ta thêm tin tưởng vào những kết quả tích cực mà “Tết trồng cây” năm 2020 mang lại.
Để thành phố thêm xanh - sạch - đẹp
Hà Nội vinh dự là địa phương được Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây đa tại Công viên Thống Nhất trong “Tết trồng cây” đầu tiên năm 1960. Đó là vinh dự, đồng thời là trách nhiệm nặng nề, nhất là khi Thủ đô luôn tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Ngoài cây đa ở Công viên Thống Nhất, có thể kể ra những cây đa khác do chính tay Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng ở Hà Nội như: Cây đa Tiên Hội (Đông Anh), cây đa Vật Lại (Ba Vì).
60 năm qua, xuân nào cũng vậy, “Tết trồng cây” ở thành phố Hà Nội luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, trồng cây nào sống cây đó. Ngay từ mùng 6 tháng Giêng năm Canh Tý 2020 (30-1), không khí “Tết trồng cây” đã sôi nổi trên toàn thành phố khi hàng loạt quận, huyện, thị xã đồng loạt tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây”.
Chủ tịch UBND xã Thanh Văn (huyện Thanh Oai) Nguyễn Huy Oánh cho biết, “Tết trồng cây” năm nay, toàn xã trồng 40 cây muồng tím tại tuyến đường liên xã. Để bảo đảm chất lượng cây trồng, UBND xã Thanh Văn giao nhiệm vụ cho Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ phụ trách trồng, chăm sóc cây xanh, từ đó “tiếp lửa” cho các phong trào trong nhân dân. Cùng với trồng cây xanh, các đoàn viên, thành viên Hội Phụ nữ sẽ cùng nhân dân tham gia vệ sinh các tuyến đường...
Còn em Nguyễn Phương Anh, học sinh lớp 11 Trường Phổ thông liên cấp Archimedes Đông Anh cho biết rất vinh dự được tham gia “Tết trồng cây” ở địa phương, qua đó hiểu hơn, có trách nhiệm hơn trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh vì lợi ích của bản thân và cộng đồng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, từ ngày 30-1 đến 4-2, toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thành tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây” Xuân Canh Tý năm 2020 bảo đảm hiệu quả, thiết thực theo kế hoạch số 17/KH-UBND ngày 21-1-2020 của UBND thành phố Hà Nội. Ngay sau lễ phát động đã có 8.096 cây xanh các loại được trồng, trong đó có 3.922 cây bóng mát, cây lấy gỗ; 4.174 cây ăn quả.
Nhìn lại công tác trồng, chăm sóc, phát triển cây xanh ở thành phố trong những năm qua, nhiều chuyên gia, đặc biệt là người dân Thủ đô thừa nhận đã có sự thay đổi tích cực cả về lượng và chất. Những hàng cây đặc thù như sấu, xà cừ, sao đen, hoa sữa... mang “thương hiệu” Hà Nội trên phố Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng, Lò Đúc... vẫn được giữ gìn, chăm sóc, phát huy hiệu quả.
Chương trình mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016 - 2020 (đã về đích năm 2018) đem lại diện mạo đô thị mới không những xanh mà còn đẹp cho nhiều tuyến phố của Thủ đô. Đó là đường Võ Nguyên Giáp - “cửa ngõ” quốc tế Thủ đô với nhiều tầng cây bắt mắt. Đó còn là những tuyến phố dịu dàng màu hoa ban, rực rỡ hoa phượng, râm mát bàng lá nhỏ, độc đáo sắc lá phong... dần rõ hình hài, tạo điểm nhấn mới cho Thủ đô xanh, văn minh, hiện đại, đồng bộ.
Việc thay thế, trồng mới cây xanh đồng bộ trên các tuyến phố không chỉ tạo diện mạo đô thị văn minh, mà còn góp phần giảm tai nạn thương tích do cây gãy, đổ, nhất là trong mùa mưa bão. Phát huy kết quả đạt được, thành phố đặt mục tiêu trồng thêm 600.00 cây xanh trong năm 2019 - 2020. Tất cả vì một thành phố an toàn, xanh - sạch - đẹp - văn minh hôm nay và trong tương lai.
- Năm 2020 cả nước đặt mục tiêu: Trồng 220 nghìn héc ta rừng, trong đó có 10 nghìn héc ta rừng phòng hộ, đặc dụng; 210 nghìn héc ta rừng sản xuất. Khoanh nuôi tái sinh 360.000 héc ta rừng; trồng 50 triệu cây phân tán.
- Hưởng ứng “Tết trồng cây” Xuân Canh Tý 2020, đến nay, toàn thành phố Hà Nội đã trồng được 137.998 cây xanh các loại (đạt 45,1% kế hoạch đăng ký năm 2020), trong đó có 60.844 cây bóng mát, cây lấy gỗ; 77.074 cây ăn quả. Được biết, năm nay, toàn thành phố phấn đấu trồng mới từ 200.000 đến 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông đô thị và 200.000 cây ăn quả, 70 héc ta rừng, chăm sóc 3.546 héc ta rừng trồng; quản lý, bảo vệ 6.483 héc ta rừng...